APCI 2020: Chi phí không chính thức “có mặt” ở tất cả thủ tục hành chính

Cập nhật: 17/03/2021 15:23

Theo báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020), chỉ có 4 nhóm (thuế, kiểm tra chuyên ngành, môi trường, điều kiện kinh doanh) có cải thiện, còn 5 nhóm thủ tục khác thì giảm điểm so với APCI 2019. Đáng lưu ý, chi phí không chính thức “có mặt” ở tất cả thủ tục hành chính được khảo sát.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp báo công bố chỉ số APCI 2020. Ảnh: Nhật Bắc

Sáng ngày 17/3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm thủ tục hành chính quan trọng gồm: Đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi nghiệp doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Hơn 50% doanh nghiệp phải thuê dịch vụ để làm thủ tục Giao dịch thương mại qua biên giới

Theo kết quả khảo sát APCI 2020, để thực hiện các thủ thục hành chính trong nhóm thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/thủ tục hành chính.

Với nhóm khởi sự doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 7,3 giờ và 494 nghìn đồng chi phí trực tiếp.

Khảo sát cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp thì có gần 17 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến Khởi sự doanh nghiệp với chi phí trung bình 2 triệu đồng/thủ tục hành chính.

Khi thực hiện thủ tục Kiểm tra chuyên ngành, mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 12,2 giờ và gần 2 triệu đồng chi phí trực tiếp để thực hiện.

Trong hai nhóm thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ thì mới chỉ có nhóm thủ tục của Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thực hiện được trực tuyến trên hệ thống thông tin một cửa quốc gia (VNSW), dẫn đến sự khác biệt lớn trong chi phí tuân thủ của hai nhóm thủ tục này.

“Cứ 100 doanh nghiệp thì có khoảng 23 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến Kiểm tra chuyên ngành với chi phí trung bình 5,1 triệu đồng/thủ tục hành chính”, báo cáo nêu.

Trong nhóm đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 20,2 giờ, chi phí trực tiếp là gần 4,3 triệu đồng. Theo khảo sát, cứ 100 doanh nghiệp thì có gần 3 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Cũng theo APCI 2020, để thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 7,3 giờ, chi phí trực tiếp là xấp xỉ 3 triệu đồng, trong đó chi phí dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí tuân thủ.

Cứ 100 doanh nghiệp thì có đến 51 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới.

Thủ tục đầu tư tưởng đơn giản, thực hiện lại không hề dễ

Để biết chi phí bỏ ra khi làm giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 7 thủ tục thuộc 4 ngành (công an, công thương, y tế và nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Để thực hiện thủ tục trên, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra xấp xỉ 149,4 giờ, chi phí trực tiếp là 2,5 triệu đồng.

“Khảo sát doanh nghiệp cho thấy có rất ít doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói để thực hiện những thủ tục này do các yêu cầu về việc khảo sát đánh giá thực tế cơ sở kinh doanh, hoặc yêu cầu về đào tạo chuyên môn trong quá trình cấp phép của cơ quan quản lý”.

Điểm APCI 2020 của các nhóm thủ tuc hành chính so với APCI 2019

Nhóm thủ tục hành chính đầu tư với các yêu cầu về thủ tục tưởng chừng như đơn giản nhưng khi thực hiện lại không hề dễ dàng. Khảo sát doanh nghiệp cho thấy, sự phức tạp nằm ở các chủ trương, chính sách đầu tư không nhất quán, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực hiện thủ tục hành chính liên quan.

Năm 2019, để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm Đầu tư, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 36,1giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 1,8 triệu đồng cho việc sao chụp, công chứng giấy tờ. Cứ 100 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục này với chi phí trung bình từ hơn 3,3 triệu đồng cho đến 66,3 triệu đồng.

Với nhóm thủ tục xây dựng, theo APCI 2020, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 21,2 giờ, chi phí trực tiếp là 4,7 triệu đồng cho các loại chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, các loại phí và lệ phí theo quy định (bao gồm các loại phí thẩm định và lệ phí cấp phép xây dựng) và một phần chi phí không chính thức.

Cứ 100 doanh nghiệp thì có đến gần 16 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm Xây dựng với mức chi phí dịch vụ trung bình hơn 125 triệu đồng/thủ tục/doanh nghiệp bao gồm cả các chi phí thiết kế công trình.

Còn nhóm môi trường, sự thay đổi lớn nhất chính là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý đúng đối tượng. Để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm này, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ, chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng; cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chỉ có 4 nhóm thủ tục có cải thiện

“So sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm thủ tục hành chính có cải thiện là thuế, kiểm tra chuyên ngành, môi trường, điều kiện kinh doanh”, báo cáo nêu rõ.

Còn các nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới có điểm giảm so với APCI 2019.

Đáng lưu ý, từ nghiên cứu cho thấy, chi phí không chính thức có ở tất cả các nhóm thủ tục hành chính, các công đoạn khi thực hiện thủ tục hành chính và ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các nhóm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh như các nhóm thủ tục về Kiểm tra chuyên ngành, giao dịch thương mại qua biên giới, đất đai, xây dựng, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.

Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Từ APCI cho thấy, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện thủ tục hành chính gồm:

– Chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu cho đến khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục hành chính.

– Chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện thủ tục hành chính để nhận được kết quả của thủ tục hành chính. Chi phí trực tiếp càng thấp càng tốt.

theo Hương Giang – Báo thanh tra

Tin liên quan

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Cập nhật: 28/03/2024 10:55
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xem xét 4 nội dung quan trọng - Cập nhật: 27/03/2024 10:49
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị chuyên đề - Cập nhật: 27/03/2024 10:33
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương - Cập nhật: 25/03/2024 12:22
Nâng cao trách nhiệm giải trình phải trở thành nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội - Cập nhật: 19/03/2024 15:51
Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống - Cập nhật: 07/03/2024 09:55
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 - Cập nhật: 28/02/2024 11:52
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực - Cập nhật: 11/01/2024 09:04
Toạ đàm về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp - Cập nhật: 10/01/2024 14:41
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về công tác xây dựng Đảng - Cập nhật: 31/12/2023 09:08