Bí thư Hà Nội: Nhiệm kỳ mới làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên

Cập nhật: 14/10/2020 09:04

Thông tin với báo chí về nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Thành

Cuối giờ chiều 13/10, ngay sau phiên bế mạc Đại hội Đại biểu khóa XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin tới báo chí về kết quả Đại hội.

Tỷ lệ cán bộ trẻ thấp

Thông tin về kết quả Đại hội, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định, Đại hội đã được tiến hành trong không khí dân chủ và thực hiện các nội dung quan trọng. Việc bầu Ban Chấp hành (BCH) khoá mới được tiến hành nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ.

Về kết quả bầu cử tại Đại hội, ông Phong thông tin thêm, tại phiên họp thứ nhất của BCH Đảng bộ TP đã tiến hành bầu 16 đồng chí tham gia Ban Thường vụ, bầu đồng chí Vương Đình Huệ là Bí thư Thành ủy với số phiếu tuyệt đối 71/71.

 Ủng hộ đồng bào miền Trung hơn 7 tỷ đồng

Trước tình hình bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại 5 tỉnh miền Trung, Đại hội đã thống nhất quyên góp ủng hộ nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ nhân dân các tỉnh khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Hà Nội trích từ quỹ cứu trợ TP ủng hộ đồng bào miền Trung 7 tỷ đồng. Đồng thời, tại phiên bế mạc Đại hội, các đại biểu tham dự đã quyên góp hơn 300 triệu đồng ủng hộ nhân dân miền Trung.

“Theo quy định, Thành ủy Hà Nội được bầu 3 Phó Bí thư. Nhưng sau đó, Bộ Chính trị đã cho phép 2 Đảng bộ lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – 2 Đảng bộ có số lượng đảng viên đông, có tính chất đặc biệt, được bầu 4 Phó Bí thư. 4 đồng chí Phó Bí thư đều đã trúng cử với số phiếu rất cao”, ông Phong nói.

Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 – 8.500 USD…

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được báo chí quan tâm, đặt câu hỏi, đặc biệt là liên quan đến tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia BCH khóa mới; Những việc làm cụ thể ngay sau Đại hội để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống? Những giải pháp giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông? Kế hoạch triển khai xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch? Việc tinh lọc cán bộ trong thời gian tới…

Trả lời câu hỏi của báo chí về công tác nhân sự BCH khóa mới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: Về cán bộ nữ, nhiệm kỳ trước, trong BCH Đảng bộ TP có tỷ lệ 12%, nhiệm kỳ này là 21%. Đối với Ban Thường vụ, có 4 đồng chí trúng cử.

Về tỷ lệ cán bộ trẻ, trong số trúng cử, số đại biểu có năm sinh 1979 rất nhiều và có 3 cán bộ sinh năm 1980 – 1984. “Đây là bước tiến lớn của Hà Nội. Nhưng tỷ lệ cán bộ trẻ Hà Nội chưa đạt yêu cầu của Trung ương đề ra là 10%. Hà Nội giới thiệu đạt trên 8% nhưng bầu chỉ đạt 5%. Dù khách quan nhưng đây cũng là trách nhiệm của Đảng bộ TP”, ông Vương Đình Huệ nói.

Để nâng cao tỉ lệ cán bộ trẻ trong BCH Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian tới TP sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo chuyên gia, trong đó có việc cử đi đào tạo ở nước ngoài…

Đơn thư KN, TC về cán bộ rất ít

Thông tin về công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đồng chí Vương Đình Huệ thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, có những việc chúng ta không mong muốn đã xảy ra.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Nhiều đồng chí tham gia nhiều kỳ Đại hội nói chưa bao giờ có kỳ Đại hội nào bình yên như Đại hội Đại biểu lần thứ XVII. Ảnh: Viết Thành

Do đó, Bí thư Thành ủy khẳng định, nhiệm kỳ tới cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp theo hướng tăng cường về chuyên môn, bộ máy, con người, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về kinh phí; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Liên quan đến phân công nhiệm vụ trong Ban Thường vụ cũng như các Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội đã có bước chuẩn bị trước và sau Đại hội, Thường trực Thành ủy sẽ bàn bạc kỹ lưỡng, bố trí phù hợp với năng lực của từng người, nhưng dứt khoát phải có một đồng chí làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và một Phó Bí thư làm công tác xây dựng Đảng…

Ngay sau Đại hội, tập thể Thường trực Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ về phân công lĩnh vực phụ trách của các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy.

“Sắp xếp cán bộ khối Đảng sẽ cùng với kiện toàn nhân sự khối chính quyền. Đến nay, Hà Nội kiện toàn xong chức danh khối Đảng và cơ bản kiện toàn nhân sự khối HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…”, Bí thư Thành ủy chia sẻ.

“Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên. Báo chí cũng là kênh quan trọng góp phần giám sát”, Bí thư Thành ủy nói.

Đồng thời cho biết, Thành ủy đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy điểm tin tất cả cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội về những vấn đề tích cực, nêu gương người tốt – việc tốt, đơn vị tốt và cũng chú trọng nội dung liên quan đến từng vấn đề cụ thể. Trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ yêu cầu địa phương giải quyết.

“Nhờ cơ chế như vậy nên các vấn đề dân sinh bức xúc, khiếu nại (KN), tố cáo (TC) giảm hẳn. Nhiều đồng chí tham gia nhiều kỳ Đại hội nói chưa bao giờ có kỳ Đại hội nào bình yên như Đại hội Đại biểu lần thứ XVII. Các đơn, thư KN, TC, đặc biệt là về cán bộ hầu như rất ít, chủ yếu là giải quyết KN liên quan đến vi phạm trật tự đô thị, đất đai”, Bí thư Thành ủy thông tin và nhấn mạnh “nội dung này TP đã đặt trách nhiệm và thời hạn giải quyết cho Bí thư và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, nếu không giải quyết trong thời gian theo quy định thì phải chịu trách nhiệm”.

Trả lời câu hỏi về các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường… ông Vương Đình Huệ nêu, TP đã ban hành các chương trình hành động chi tiết, tới đây sẽ bổ sung.

Để xử lý rác thải, TP sẽ dần chuyển từ chôn lấp sang công nghệ đốt phát sinh điện. Tuy nhiên, quy hoạch các nhà máy đốt rác đã có nhưng nếu chưa có quy hoạch về điện thì không triển khai được.

Trong cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về phát triển nhà máy đốt rác tạo ra điện và sẽ ưu tiên phê duyệt quy hoạch cho Hà Nội vào năm nay.

Vấn đề nước sạch cũng được TP rất coi trọng. Hiện 100% người dân đô thị và 78% người dân nông thôn đã sử dụng nước sạch. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII đã đặt mục tiêu 100% người dân được cung cấp nước sạch. Đây là vấn đề lớn về an sinh xã hội.

theo Hải Hà – Báo Thanh tra

Tin liên quan