Các công ty “xuất khẩu” tham nhũng

Cập nhật: 20/10/2020 14:44

Airbus, Ericsson, Odebrecht, Rolls Royce, Halliburton… là 5 cái tên trong danh sách dài những doanh nghiệp đa quốc gia bị phanh phui các âm ưu hối lộ có hệ thống với quy mô lớn rộng.

Ảnh minh họa: Andrea Settimo©Transparency International

Kể từ năm 2000, các vụ bê bối tham nhũng lớn như vụ việc liên quan đến hối lộ doanh nghiệp tại Siemens – một trong những hãng thiết bị công nghiệp lớn nhất của Đức, hay BAE Systems – Công ty Quốc phòng, an ninh và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Anh, nhà thầu quân sự lớn nhất châu Âu, đã gây ra làn sóng chấn động trên toàn thế giới, khiến dư luận bức xúc và kêu gọi tăng cường thực thi chống hối lộ ở nước ngoài.

Trước đây, hối lộ ở nước ngoài chỉ được coi là một dạng chi phí khác của hoạt động kinh doanh. Nó hầu như không được điều tra. Điều này đã gây thiệt hại to lớn cho công dân các nước bị ảnh hưởng.

Và, đáng buồn thay, những người dân bình thường là đối tượng phải gánh chịu hậu quả lớn nhất.

Số tiền bị mất trong các vụ hối lộ ở nước ngoài gây lãng phí hàng triệu USD và không thể đi đến các dịch vụ thiết yếu như cứu sinh, chăm sóc sức khỏe hay giáo dục.

Nghiêm trọng không kém, hối lộ nước ở nước ngoài làm tổn hại lòng tin của người dân đối với Chính phủ của họ. Mà niềm tin một khi đã mất đi thì thật khó để có thể xây dựng lại.

Về lâu dài, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh quốc tế cũng là một tin xấu đối với nền kinh tế các quốc gia và toàn cầu.

Nó cản trở đầu tư xuyên biên giới, cản trở cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế và tạo sự phân biệt đối xử với các công ty vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty từ các nước xuất khẩu lớn vẫn tiếp tục sử dụng hối lộ để giành được công việc kinh doanh ở thị trường nước ngoài, trong khi thật đáng quan ngại, nhiều Chính phủ lại chọn cách làm ngơ.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại một số trường hợp hối lộ ở nước ngoài gần đây nhất được trích dẫn trong báo cáo Xuất khẩu Tham nhũng năm 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), qua đó, cho thấy mức độ tham nhũng của doanh nghiệp, đồng thời nêu rõ các vấn đề cụ thể cũng như chặng đường dài mà nhiều Chính phủ vẫn phải đi để giải quyết vấn đề hối lộ trong thị trường nước ngoài.

Airbus

Năm 2020, thế giới chứng kiến một vụ giải quyết hối lộ nước ngoài lớn nhất cho đến nay, khi Airbus – nhà cung cấp máy bay dân dụng và quân sự toàn cầu có trụ sở tại Pháp, đồng ý trả tổng cộng gần 4 tỷ USD tiền phạt cho Mỹ, Pháp và Anh để giải quyết các cáo buộc hối lộ nước ngoài.

Pháp đã đóng một vai trò to lớn trong việc buộc công ty phải chịu trách nhiệm, nhờ một đạo luật gần đây giúp cải cách khung pháp lý chống tham nhũng của nước này.

Theo TI, vụ việc trên một lần nữa cho thấy, hối lộ các quan chức nước ngoài cả trong khu vực công và tư nhân đã và đang là một phần của mô hình kinh doanh lớn tại các tập đoàn đa quốc gia. Các công tố viên Pháp cho biết, những hành vi vi phạm đã giúp cho lợi nhuận của Airbus tăng thêm 1 tỷ euro.

TI cho rằng, dù khoản tiền phạt cao ở mức kỷ lục, nhưng một mình nó không phải là biện pháp đủ để ngăn chặn vi phạm. Các thỏa thuận nộp phạt cần được đi cùng với quyết định truy tố những giám đốc điều hành liên quan.

Với vụ việc của Airbus, theo TI, điều cần kíp lúc này là không chỉ dừng lại ở “bên cung” hối lộ (như Pháp, Anh, Mỹ), mà các nhà chức trách phải tạo điều kiện để mở những cuộc điều tra ở các quốc gia thuộc “bên cầu”, điểm đến của hối lộ, và đưa ra hình phạt phù hợp, trong đó bao gồm cả trả lại số lợi nhuận đã nhận.

Odebrecht

Ở Brazil, cuộc điều tra mang tên “Chiến dịch Lava Jato” (Chiến dịch Rửa xe) do thẩm phán Sergio Moro tiến hành từ hồi tháng 3/2014 đã tiết lộ những âm mưu tội phạm ở mức độ hiếm có, và bằng cách đó, thách thức các chính trị gia và doanh nhân quyền lực ở hơn một chục quốc gia và trên ít nhất 3 lục địa.

Các cuộc điều tra về Công ty xây dựng Odebrecht – trung tâm của vụ bê bối, được khởi xướng ở Brazil đã làm sáng tỏ các mạng lưới tham nhũng, thu hồi lượng tài sản công chưa từng có và truy tố những cá nhân quyền lực. Nhiều người đã thú nhận tội, trong đó, bao gồm cả hối lộ trong và ngoài nước.

Chiến dịch này cũng có ý nghĩa quan trọng để củng cố động lực chống tham nhũng tích cực ở Mỹ Latinh nhờ sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi của Brazil và các đối tác nước ngoài của họ.

INASSA

Năm 2018, Xí nghiệp Tập đoàn Cấp nước Inassa bị phạt 5 tỷ peso Colombia (1,8 triệu USD) vì tội hối lộ ở nước ngoài, khi Cơ quan Giám sát Hiệp hội Nước tuyên bố rằng, công ty bị cáo buộc đã đưa hối lộ cho các quan chức Nhà nước ở Ecuador vào năm 2016.

Semlex

Tại Bỉ, vào tháng 5/2020, các công dân Congo đã nộp đơn xin được tham gia hỗ trợ các công tố viên Bỉ điều tra tham nhũng và rửa tiền kéo dài của Semlex – một công ty in hộ chiếu hoạt động tại một số quốc gia ở châu Phi, và là đối tượng của 2 bài báo của Reuters.

Theo điều tra của Reuter, thỏa thuận được thực hiện với Semlex đã làm tăng giá hộ chiếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) từ 100 USD lên 185 USD. 60 USD trong số đó được cho là thuộc về một công ty vùng Vịnh ít người biết đến thuộc sở hữu của một người thân của lãnh đạo DRC.

Skoda JS A.S.

2 bên trung gian đang được xét xử vì có liên quan đến một gói thầu do doanh nghiệp nhà nước Ukraine NNEGC Energoatom trao cho công ty của Séc, Skoda JS A.S., để cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân. Một số báo cáo cho thấy mối liên quan giữa việc đấu thầu và các khoản thanh toán từ Skoda JS A.S. chuyển cho cựu Nghị sĩ Mykola Martynenko.

Skoda JS A.S. là công ty con của OMZ B.V. có đăng ký tại Hà Lan, thuộc Tập đoàn OMZ của Nga (Tập đoàn Uralmash-Izhora), thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Ngân hàng Gazprombank (Nga).

theo Hoài Phương – Báo thanh tra

https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/ho-so-tu-lieu/cac-cong-ty-xuat-khau-tham-nhung-172923.html

Tin liên quan