Cần bổ sung một số chuyên đề vào khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra

Cập nhật: 21/01/2021 16:19

Ngày 21/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị nghiệm thu khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Tiến sĩ Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chủ tịch Hội đồng, chủ trì.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Báo cáo tại hội nghị, nêu sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đại diện Trường Cán bộ Thanh tra cho biết, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên (TTV), thanh tra viên chính (TTVC), thanh tra viên cao cấp (TTVCC) được Tổng Thanh tra phê duyệt và triển khai giảng dạy từ năm 2009. Qua hơn 10 năm vừa tổ chức, vừa thực hiện cập nhật, chỉnh sửa, Trường Cán bộ Thanh tra đã đào tạo hàng vạn lượt cán bộ, công chức thanh tra góp phần nâng cao năng lực, trình độ và chuẩn hóa chức danh cho đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra.

Đứng trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong giai đoạn hiện nay, hệ thống giáo trình đã bộc lộ một số những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đặt ra đó là: Chương trình hiện nay mới chỉ chủ yếu dừng ở việc cập nhật kiến thức chưa có nhiều chuyên đề đào tạo kỹ năng, những kỹ năng cơ bản của đội ngũ làm công tác thanh tra như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng biên bản, kỹ năng xây dựng báo cáo, kỹ năng thực hiện các quyền trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ bản chưa được đào tạo một cách đầy đủ và có hệ thống.

Chương trình còn thiếu tính đồng bộ, liên thông giữa các hệ đào tạo; bộ tài liệu giáo trình hiện nay chưa phân định rạch ròi cấp độ chuyên sâu và sự thích ứng cho từng đối tượng người học ở 3 hệ (TTV, TTVC, TTVCC); nhiều chuyên đề còn trùng lắp giữa 3 hệ đào tạo, có chuyên đề của chương trình TTVC hay TTVCC còn sơ lược hơn chương trình TTV…

Ngoài ra, thời gian đào tạo, phương pháp giảng dạy còn chưa hợp lý. Hiện nay, thời gian bồi dưỡng theo chương trình TTV là 4 tuần, TTVC 5 tuần và TTVCC là 3 tuần quá ngắn, không đủ thời gian cho học viên thảo luận, thực hành các kỹ năng nghiệp vụ.

“Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra, việc sửa đổi toàn diện khung chương trình, giáo trình nghiệp vụ cho cả 3 hệ đào tạo TTV, TTVC, TTVCC là cần thiết và cấp bách” – đại diện Trường Cán bộ Thanh tra nhấn mạnh.

Đối với chương trình TTV, được xác định là chương trình mang tính chất nền tảng, cơ bản, phải đáp ứng cả yêu cầu về bồi dưỡng kiến thức và yêu cầu về đào tạo nghiệp vụ cũng như đạo đức công vụ. Chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ TTV gồm 28 chuyên đề, 272 tiết (2 tháng thực học). Kết cấu theo 3 phần: Phần I – Kiến thức chung; Phần II – Quy trình nghiệp vụ; Phần III – Một số kỹ năng cơ bản.

Chương trình TTVC, là chương trình mang tính chất nâng cao cho cán bộ quản lý, do đó chương trình phải đáp ứng cả yêu cầu về bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghiệp vụ ở mức độ cao hơn. Chương trình gồm 18 chuyên đề, 200 tiết (1,5 tháng thực học). Kết cấu thành 2 phần: Phần I – Kiến thức chung; Phần II – Các kỹ năng nghiệp vụ.

Đối với chương trình TTVCC, là chương trình cao nhất của hệ đào tạo, chương trình không chia theo các phần như ở chương trình TTV, TTVC mà chỉ tập trung trang bị tư duy mang tính chiến lược, phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước. Chương trình bao gồm 09 chuyên đề, 140 tiết (1 tháng thực học).

Góp ý kiến tại hội nghị, các thành viên hội đồng cơ bản đồng ý với khung chương trình đào tạo nghiệp vụ thanh tra.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tại các khung chương trình TTV, TTVC cần bổ sung thêm một số chuyên đề như: Chuyên đề sự phối hợp giữa thanh tra với các thiết chế khác; xây dựng thêm một số chuyên đề tổng hợp về thanh tra, kiểm toán, kiểm tra Đảng; bổ sung thêm chuyên đề pháp luật quốc tế và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Tại khung chương trình TTVCC nên nghiên cứu bổ sung chuyên đề hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu đội ngũ xây dựng pháp chế; quan hệ liên vùng, liên ngành; bổ sung thêm chuyên đề kỹ năng xử lý những vấn đề phức tạp; bổ sung thêm chuyên đề về tiếp công dân.

Ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra nhấn mạnh: Trong 3 Khung chương trình (TTV, TTVC, TTVCC) thì Khung chương trình 1, 2 (TTV,TTVC) đây là nhóm kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, những kỹ năng chỉ đạo chiến lược ở Khung chương trình 3 (TTVCC)… nên cách thức tiếp cận khác nhau.

Vì thế, theo ông Toàn, đối với khung chương trình 1 và 2 thì cần xây dựng 3 kỹ năng chính là thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng và phân thành 4 nhóm vấn đề chính.

“Chúng ta nên cắt khúc cho từng thành viên, sau khi triển khai thực hiện thì đảm bảo được tính kế thừa của 2 khung chương trình như nào và cần có đầu mối thực hiện từng chuyên đề. Nên chăng những nhóm nội dung phân cho thành từng thành viên nghiên cứu, tổng hợp. Cái gì để lại, cái gì bỏ đi. Khi cơ bản đã thống nhất được Khung chương trình và chuyên đề thì chúng ta sẽ đi đến thẩm định nhanh hơn” – ông Toàn nói.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh khẳng định sự cần thiết phải cho rằng, nhất thiết phải sửa đổi toàn diện khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thanh tra trong bối cảnh hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra đánh giá cao kế hoạch xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thanh tra do Trường Cán bộ Thanh tra xây dựng.

Đối với các ý kiến của thành viên Hội đồng, theo Phó Tổng Thanh tra cần có thời gian làm việc của mỗi khung chương trình ở mỗi chuyên đề, mỗi đồng chí được phân công theo chuyên đề của từng khung chương trình cần có báo cáo tổng kết. Sau đó tập hợp về cho Trường Cán bộ Thanh tra hoàn thiện nội dung khung chương trình đào tạo.

Sau khi nghiệm thu khung chương trình, trình Tổng Thanh tra thành lập Hội đồng Thẩm định chuyên đề.

theo Thái Hải – Báo Thanh tra

Tin liên quan