Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá “lậu” ở Đắk Nông

Cập nhật: 11/01/2021 09:31

Tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn xã Đắk Drô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đang diễn ra công khai…

Công trường khai thác đá lậu trên địa bàn xã Đắk Drô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Hoàng Yến

“Đá tặc” hoành hành

Một ngày đầu tháng 1, theo người dẫn đường, từ cổng chào Buôn K62 (thuộc xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) nằm bên quốc lộ 28, chúng tôi chạy hơn 30 phút chạy các con đường nhựa và đường bê tông, sau đó đến con đường đất ngoằn ngoèo, chạy hun hút qua các lô cao su và rẫy cà phê để vào bãi khai thác.

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Đá cây được khai thác lên, xếp tại công trường chờ vận chuyển đi. Ảnh: Hoàng Yến

Trên đường đi, người dẫn đường tiết lộ: “Những bãi đá ở xã Đắk Drô do người tên Tường đứng ra khai thác. Ông Tường có tiếng ở địa phương trong việc khai thác đá cây và đá xây dựng. Khai thác hết bãi chuyển bãi khác. Việc khai thác diễn ra công khai, xe vào lấy đá chạy nườm nượp.

Trên địa bàn chưa có mỏ đá nào được cấp phép, các mỏ đá đều được ông Tường khai thác lậu. Nếu không có người bao che, chắc chắn sẽ không làm được!”.

>>> Video: Công trường khai thác đá lậu ở Đắk Nông.

Chúng tôi theo lối mòn độc đạo, chạy thẳng vào bãi khai thác, tiếng máy múc rền vang, tiếng máy khoan và tiếng búa đập đá chát chúa sau rẫy cà phê.

Trước mặt chúng tôi là công trường khai thác đá rộng gần 1hecta. Chiếc máy múc loại lớn, một phần quả đồi bị múc sâu hoắm để lấy đá. Đá được phân loại ngay tại chỗ, loại đá cây có chiều dài và đường kính khoảng 0,5m được xếp một bên chờ chở đi, loại còn lại được đưa vào một bên để sản xuất đá xây dựng.

Tại công trường, nhóm thợ đá dùng máy phát điện, máy khoan, búa “thi nhau” sản xuất đá để xe kịp vào chở đi tiêu thụ.

Thấy sự xuất hiện của người lạ, nhóm người khai thác tắt máy, buông bỏ đồ nghề đi chỗ khác. Từ trong bãi khai thác, một người đàn ông xuất hiện tiếp cận chúng tôi. Người này giới thiệu mình tên B., là quản cai của bãi khai thác này.

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Bãi khai thác đá rộng gần 1ha, “đá tặc” ngang nhiên khai thác. Ảnh: Hoàng Yến

Người quản cai dò hỏi: “Các anh ở trên tỉnh về à?. Em phụ trách coi ngó bãi cho ông anh. Đây là đất của nhà, thấy có đá thì làm để cải tạo đất. Bãi có phép hay chính quyền có nói gì không thì em không rõ.

Mấy hôm trước, tụi em làm bãi khác, mới chuyển qua bãi này được khoảng 20 ngày. Đá chẻ thì bán cho dân xây dựng ở địa phương, đá cây thì thương lái mua chở về huyện Đắk Mil”.

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Thấy sự xuất hiện của người lạ, nhóm “đá tặc” để lại đồ nghề bỏ đi khỏi bãi khai thác. Ảnh: Hoàng Yến

Nói xong, người này móc điện thoại gọi cho một người nào đó rồi bỏ đi. Rời bãi khai thác trên, người chỉ đường dẫn chúng tôi đến một bãi khai thác, cũng do nhóm ông Tường đứng ra khai thác.

Tại đây, một bãi đất rộng lớn đã được san phẳng, đá đã được lấy đá đi. Dưới triền đồi, chỉ còn lại bãi đá xây dựng đang khai thác dang dở chưa lấy đi.

“Bãi đá này được ông Tường khai thác cách đây nhiều năm trước. Một khối lượng đá khổng lồ đã được bán đi. Sau khi thấy trữ lượng cạn dần, ông Tường đã chuyển địa điểm sang bãi bên kia’, người chỉ đường cho hay.

UBND huyện chỉ đạo kiểm tra “nóng”

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Đá xây dựng được sản xuất chất đầy bãi khai thác chờ xe vào chở đi. Ảnh: Hoàng Yến

Trao đổi với PV, ông Lê Sỹ Tường, người nhận là chủ bãi khai thác cho hay: “Tôi xin giấy phép cải tạo cải tạo đất, có ít đá thì đập. Tôi xin anh Rĩnh (ông Nguyễn Văn Rĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô), xã đồng ý và cấp cho giấy rồi.

Chỗ đó mới làm được 20 ngày, bán được mấy xe đá chẻ, còn đá cây mới chở đi 2, 3 xe đi Đắk Mil, Trung Quốc nhưng đá không đạt chất lượng nên có đi được nữa đâu. Trước đây, tôi khai thác bãi cũ nhưng còn mấy cục nên bỏ để qua bên này làm. Làm cũng không lời bao nhiêu, các chú thông cảm cho tôi”.

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Máy phát điện và đồ nghề được đưa đến công trường, phục vụ khai thác đá. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Nguyễn Văn Rĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô cho biết: “Trên địa bàn xã hiện chưa có bất kì mỏ đá nào được cấp phép. UBND xã cũng không cấp giấy cãi tạo đất cho hộ ông Tường. Ông này không phải là người địa phương, nhưng chúng tôi biết ông này có đất rẫy ở xã Đắk Drô.

Trước đây, ông này cũng khai thác đá, bị xã phối hợp với huyện đã kiểm tra xử lý. Bãi khai thác cũ ở Buôn K62 thấy không còn khai thác nữa, còn bãi mới này chúng tôi chưa nắm được, sẽ cho anh em kiểm tra lại”.

Cận cảnh ngổn ngang công trường khai thác đá

Một mỏ đá khác đang khai thác dang dở nhưng nhóm ông Tường bỏ để đi khai thác mỏ khác. Ảnh: Hoàng Yến

Tiếp nhận phản ánh và xem hình ảnh PV gửi, ông Trần Thái Châu, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Nô khẳng định: “Trên địa bàn xã Đắk Drô chưa được cấp phép khai thác mỏ đá nào như vậy. Đối với thông tin phản ánh, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra lập biên bản đình chỉ và có xử lý nghiêm”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô cho biết: “Ngay từ chiều 4/1, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo và Phòng TN&MT đã vào hiện trường và lập biên bản vụ việc.

Sáng nay, Phòng TN&MT tiếp phối hợp với Công an huyện và UBND xã Đắk Drô xác định số lượng đá khai thác, làm thủ tục để xử phạt vi phạm theo quy định, có kết quả sẽ thông tin với báo chí”.

Theo Hoàng Yến – Báo giao thông

https://www.baogiaothong.vn/can-canh-ngon-ngang-cong-truong-khai-thac-da-lau-o-dak-nong-d492047.html

Tin liên quan