Có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân

Cập nhật: 26/09/2022 16:32

“Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng: Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân

Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng xác định “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” trong chỉ đạo, điều hành, trong đó “2 đẩy mạnh” là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.

Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển KTXH và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thấy rõ trách nhiệm của mình bởi có nguồn lực mà không triển khai được thì nguyên nhân tại sao, vướng mắc ở đâu để quyết tâm, nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm đưa các công trình vào hoạt động sớm, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các đại biểu thảo luận đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; Chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo chỉ đạo, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm; Quán triệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình giải ngân; cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và chưa tốt; nguyên nhân giải ngân chậm là do đâu? Nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Nguyên nhân thuộc về thể chế, pháp luật hay công tác điều hành, tổ chức thực hiện? Các giải pháp khắc phục thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương báo cáo tham luận ngắn gọn, cô đọng nêu rõ thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; kinh nghiệm hay và những khó khăn, vướng mắc là gì? Giải ngân thấp nguyên nhân do đâu?

“Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

theo Xuân Lan – Báo công lý

https://congly.vn/co-tien-ma-khong-giai-ngan-duoc-la-co-loi-voi-nhan-dan-214077.html

Tin liên quan