Đà Lạt tan hoang vì vấn nạn nhà “lụi”

Cập nhật: 10/12/2021 09:44

Không chỉ băm nát quy hoạch, tình trạng xây dựng trái phép còn “tấn công”, “ăn dần ăn mòn” những cánh rừng của Đà Lạt.

Những căn nhà “lụi” gặm nhấm dần những cánh rừng ở khu vực đồi Ông Sư, đường Ngô Thì Sỹ, phường 4 TP Đà Lạt.


Đi tới đâu gặp nhà “lụi” tới đó

Nhiều năm gần đây, một số ngôi nhà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) xây xong nhưng không phô ra cho đẹp, lại đem tôn che kín. Một chủ thầu xây dựng “bật mí”: “Nhà lụi (nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng) đó, bịt tôn vào để che mắt mọi người”.

Lần theo những địa chỉ được người bản địa gọi là “thủ phủ nhà lụi”, “ổ nhà lụi”, nhóm PV đã thực địa khắp TP Đà Lạt để có thể rút ra nhận xét “đi đâu cũng gặp nhà lụi”.

Men theo đường Ngô Thì Sỹ (phường 4), vừa đi vừa quan sát hai bên đường sẽ dễ dàng nhận thấy những khu đất có các công trình bất thường khi phủ kín tôn phía ngoài những căn nhà xây bê tông kiên cố. Rẽ vào nhiều hẻm nhỏ trên đường Ngô Thì Sỹ đều thấy nhà xây trên đất nông nghiệp, điển hình hẻm 31, 35, 37…

Một điểm nóng về nhà “lụi”, công trình xây dựng trái phép khác là khu vực đường Huyền Trân Công Chúa (phường 4). Nhìn từ bản độ vệ tinh, bản đồ quy hoạch; rồi đi thực tế; sẽ thấy chỉ những phần đất giáp đường lớn là nhà hợp pháp trên đất ở đô thị, còn đi sâu vào các hẻm, thường thì hẻm nào cũng có nhà “lụi”.

Đà Lạt tan hoang vì vấn nạn nhà “lụi” ảnh 1
Căn biệt thự trái phép dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay tại phường 11, TP Đà Lạt.

Đi hết đường Huyền Trân Công Chúa, rẽ vào đường An Sinh, số lượng nhà lụi càng dày đặc hơn. Dọc đường An Sinh có rất nhiều nhà kính phục vụ nông nghiệp. Và “ẩn nấp” giữa những dãy nhà kính là hàng chục căn nhà “lụi” kiên cố, xây dựng khang trang. So sánh trực tiếp trên bản đồ quy hoạch Đà Lạt, nhận thấy tất cả các công trình này đều xây trên đất nông nghiệp. Có khu vực hình thành hàng chục căn nhà chẳng khác khu dân cư. Bên cạnh những căn nhà “lụi” xây từ lâu, không ít căn nhà còn thơm mùi sơn.

Cũng trên phường 4, “điểm nóng” nhà “lụi” nữa là tổ 18 Quảng Thừa (trước đây là tổ 28). Tổ 18 Quảng Thừa chia thành 2 khu vực nằm tách biệt nhưng đều đang là điểm “sốt đất”, “điểm nóng” vi phạm trật tự xây dựng.

Khu vực đầu tiên rẽ vào từ đường An Sơn, đi hết đường sẽ đến, ngày trước được gọi Quảng Thừa 4. Đối diện bên kia suối là dự án mở đường vành đai, làm cầu nối hai bên đang triển khai. Đó là lý do khiến giá đất ở đây tăng phi mã. Theo người địa phương, trước kia ở đây, nhà dân thưa thớt, chủ yếu là làm vườn. Hai năm gần đây nhiều người đến mua đất, xây nhà “đón quy hoạch” dự án giao thông nối thôn sang khu vực thác Bảo Đại (đường Trần Thái Tông).

Cách đây 2 tháng, giá mỗi sào đất nông nghiệp (500m2) được rao 1,2-1,5 tỷ đồng; đến nay lên tới 7-8 tỷ đồng. “Cò” đất và người của các Cty vào hỏi mua đất suốt ngày, mua bán xong đóng cọc bê tông xung quanh”, một người dân chỉ về phía dãy cọc bê tông, miêu tả. “Đồng hành” cùng tình trạng giá đất phi mã là tình trạng xây dựng trái phép.

“Bức tử” những cánh rừng

Không chỉ đất nông nghiệp bị xâm hại, nhiều diện tích rừng trên địa bàn Đà Lạt cũng đang bị “gặm nhấm” từng ngày. Nằm gần trung tâm Đà Lạt, khu vực rừng ở đồi Ông Sư (đi vào theo hẻm 37 Ngô Thì Sỹ, phường 4), nơi vẫn còn những cánh rừng thông cổ thụ, chỉ cần rẽ vào các lối mòn, sẽ nhận ra vì sao thông ở Đà Lạt ngày càng ít đi.

Đà Lạt tan hoang vì vấn nạn nhà “lụi” ảnh 2
Căn biệt thự trái phép dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay tại phường 11, TP Đà Lạt.

Quanh đồi Ông Sư, hàng chục căn nhà “lụi” mọc trên đất nông nghiệp thi nhau lấn vào đất rừng. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp cũng có dấu hiệu “bào mòn” vào đất rừng, đang được chia thành các lô nhỏ.

Cá biệt ở đây còn có nhiều công trình xây dựng kiên cố trên đất rừng. Ngay khu vực rừng thông giáp đường bê tông, PV ghi nhận nhiều cây thông chết khô, một số cây đã bị cưa trơ gốc. Cạnh đó là những hàng ổi, bơ, hồng… trồng xen vào; là thủ đoạn lấn rừng thường thấy ở Lâm Đồng. Hàng chục cây thông cổ thụ khác sát đường mòn nằm cheo leo, có thể bật gốc đổ bất cứ lúc nào.

Một người tự nhận là chủ căn nhà nằm giáp rừng khu vực này cho biết, do nằm ngay trung tâm Đà Lạt nên đất ở đây có giá cao. Khu đất nông nghiệp chưa có sổ rộng 200m2 được rao bán tới 2 tỷ (đã có nhà trên đất). Việc mua bán qua giấy tay, nếu sau này được đưa ra khỏi đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng thì “trúng lớn”.

Rừng phòng hộ trên địa bàn phường 4 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại tổ 18 Quảng Thừa, đường ngang ngõ tắt chi chít giấy rao bán đất, mỗi m2 đất nông nghiệp rao từ 15-20 triệu đồng. Đi theo đường bê tông chạy qua cánh rừng vào, phát hiện ra khu nhà kính và hàng chục căn nhà bê tông kiên cố. Xung quanh đó đồi núi đang bị san gạt, cải tạo mặt bằng ngổn ngang. So sánh trên bản đồ quy hoạch, khu vực này đều là đất nông nghiệp, đất rừng.

Vẫn tại tổ 18 Quảng Thừa, “núp” sau một cánh rừng còn khu nhà trái phép với những căn nhà cao tầng rộng hàng trăm m2. Tại đây, PV ghi nhận đang diễn ra hoạt động xây dựng bờ ta luy. Vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang, có công trình nhà ở đang xây “lụi”. Cả một khu đất lớn giáp rừng phòng hộ vừa được đào múc, san gạt để dựng nhà kính, nhiều cây thông bị đào múc ngã ngổn ngang. Dấu hiệu lấn chiếm đất rừng phòng hộ rõ rệt.

Đà Lạt tan hoang vì vấn nạn nhà “lụi” ảnh 3
Rừng phòng hộ ở tổ 18 Quảng Thừa, phường 4 bị san gạt trái phép, bị những căn nhà “lụi” “tấn công”.

PV đã liên hệ với ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch UBND phường 4 để làm rõ những vấn đề trên nhưng chưa nhận được hồi âm. Được biết, tại các khu vực trên, có một số công trình đã được UBND phường 4 lập hồ sơ xử lý nhưng không rõ vì lý do gì vẫn tồn tại đến nay.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.

Thiếu trách nhiệm xử lý biệt thự “lụi”

Tại tổ dân phố Trại Mát, phường 11, TP Đà Lạt, nhiều năm nay 2 “biệt thự” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại.

Lấy trụ sở UBND phường 11 làm điểm xuất phát đi theo đường Lương Đình Của, theo đường bê tông vào xóm Cúp, cuối con đường sẽ thấy căn nhà kiên cố bề thế rộng hàng trăm m2. Cạnh bên, một căn được thiết kế tương tự, hàng rào kiên cố, có ta luy giữ đất cao hơn 5m; có hồ bơi, bể nuôi cá cảnh, nhiều cây cối giá trị.

Theo tìm hiểu, căn thứ nhất xây từ tháng 5/2018 là của một người tên Nguyệt (HKTT TP HCM). Căn thứ hai của bà Phan Thị Thanh Thủy, xây từ cuối 2019.

Ông Thái Văn Ngữ (Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng TDP Trại Mát) nói, khi bà Thủy xây nhà, người dân phản ánh và phường đã lập biên bản vi phạm nhưng công trình vẫn thi công, hoàn thiện. “Nông dân làm cái trại nhỏ để chứa hàng thì bị cấm ngay, nhưng có người xây nhà trái phép to như vậy vẫn làm được”, ông Ngữ thở dài.

Theo ông Lê Văn Tây (Chủ tịch UBND phường 11), hai căn nhà trên đều xây trái phép trên đất nông nghiệp. Căn nhà xây năm 2018 trên 1.000m2 đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng. Còn căn của bà Thủy, “cuối 2019 khi chính quyền phát hiện thì căn nhà gần như đã hoàn thiện. Phường lập hồ sơ và TP đã ra quyết định xử phạt 25 triệu vì “vi phạm trật tự xây dựng công trình không phép”. Đầu 2020 TP cũng đã ra quyết định cưỡng chế với công trình trên”.

Tại sao căn thì tồn tại 3 năm qua mà không xử lý, căn thì đã có quyết định cưỡng chế nhưng 2 năm qua vẫn tồn tại, thậm chí có dấu hiệu phát sinh thêm những công trình phụ? Ông Tây cho biết, căn thứ nhất “được xây lúc tôi chưa làm Chủ tịch phường, hiện vì dịch bệnh chủ nhà này ít khi xuất hiện, nói chung khó xử lý trường hợp này. Còn trường hợp bà Thủy, phường có đầy đủ hồ sơ nhưng phải chờ TP. Tôi còn một cái nợ là chưa có kế hoạch tổ chức cưỡng chế với trường hợp nhà bà Thủy”, Chủ tịch phường 11 nói.

Nhà trái phép của bà Thủy vì sao đến lúc gần hoàn thiện phường mới biết? Ông Tây cho rằng nhà này nằm khuất, ở vị trí khó kiểm soát nên không thấy. Đồng thời, lúc đó ông mới nhận nhiệm vụ, công việc nhiều nên mới xảy ra tình trạng trên. “Phường bốn nghìn hộ đâu phải nhỏ, làm sao nắm hết ngóc ngách chỗ này, chỗ kia được. Nhà bà Thủy này khuất, khó lắm và mình dám nói luôn, lâu lâu có một cái mình không biết, mọi thứ không thể như trong lòng bàn tay…”, ông Tây nói.

Hai căn nhà này chỉ cách UBND phường khoảng 3,5km, đường đi thẳng tắp, ô tô vào được, sao lại nói ngóc ngách, khó tìm? Ông Tây nói: “Làm sao mà mình nắm được mọi thứ. Nếu mà trọn vẹn hết thì khó, không thể gọi là người mà gọi là “thánh” mất rồi”.

Tin liên quan