Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021” tại Bắc Ninh: Xây dựng đạo đức, lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật

Cập nhật: 12/01/2021 09:28

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Bình đánh giá, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng đạo đức, lối sống liêm chính, tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ và nhân dân.

Những năm qua, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh chú trọng tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN thu hút đông đảo cán bộ tham gia. Ảnh: HH

Đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả

Thực hiện Quyết định 861 ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021”, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện.

Nội dung các kế hoạch đã xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và người dân trong việc đấu tranh PCTN. Từ đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, công tác triển khai thực hiện Đề án đã được các cấp, ngành tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên, đảm bảo tuân thủ đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương. Người đứng đầu các đơn vị cũng đã đề cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra; tăng cường sự phối hợp với các Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực để thực hiện chương trình, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng.

Thực hiện Đề án, trong năm, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 1 lớp tập huấn về PCTN cho 375 cán bộ, công chức làm công tác thanh tra các sở, huyện; ban tiếp công dân cấp tỉnh, huyện và lãnh đạo, cán bộ công chức cấp xã. Đồng thời, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ làm công tác chuyên môn cũng đã giới thiệu, tuyên truyền để người dân và đối tượng thanh tra hiểu, nâng cao nhận thức pháp luật về PCTN.

Các đơn vị trong tỉnh cũng tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung PCTN và đạo đức liêm chính vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại chuyên đề về công tác PCTN. Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 93 giáo viên dạy bộ môn giáo dục công dân chưa được bồi dưỡng kiến thức pháp luật PCTN; tổ chức cuộc thi, giải thưởng có chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính. Trong đó, tiêu biểu là cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường”, đã thu hút 100% học sinh THCS, THPT trên địa bàn tham gia.

Bám sát kế hoạch thực hiện Đề án, 8 huyện, thị xã, TP trong tỉnh đã tổ chức 109 cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề về pháp luật PCTN cho trên 10.700 cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện xây dựng tủ sách pháp luật, điểm tuyên truyền tập trung về pháp luật PCTN và đạo đức liêm chính; thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, pháp luật về PCTN đã thực sự đến gần hơn với người lao động và nhân dân…

Người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm nêu gương

Đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Nhân Bình cho rằng, cùng với sự quyết tâm, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của quần chúng nhân dân, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng đạo đức, lối sống liêm chính, tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như trong PCTN, lãng phí ở một số đơn vị còn chưa cao; vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thiếu tự dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống, có những hành vi nhũng nhiễu, có biểu hiện tiêu cực.

Công tác tuyên truyền cũng chỉ mới tập trung chủ yếu vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thật sự phong phú, đa dạng; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn chung vẫn còn yếu; sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ…

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thời gian tới thực sự phát huy hiệu quả, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về nội dung này. Đặc biệt, cần ban hành tiêu chí đánh giá cụ thể để xác định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo việc thực hiện; chú trọng các hiện tượng, vấn đề liên quan đến tham nhũng và PCTN mà dư luận xã hội quan tâm…

theo Hải Hà – Báo thanh tra

Tin liên quan