Hà Nội: Dân bức xúc vì dự án cây xanh thành nhà máy rác

Cập nhật: 30/03/2021 06:40

Bất chấp phản ứng của người dân, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn vẫn triển khai nhiều hạng mục công trình.

Khu đất đồng Chằm đã bị san lấp tràn lan dù thủ tục dự án chưa đầy đủ, bị người dân phản ứng dữ dội

Bức xúc vì khu đất công ích của xã dự kiến trồng cây xanh bỗng trở thành dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn, người dân các xã Dục Tú, Mai Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ứng dữ dội. Tuy vậy, bất chấp phản ứng của người dân, dự án vẫn triển khai nhiều hạng mục công trình.

Người dân ngỡ ngàng

Những ngày gần đây, Báo Giao thông nhận được đơn thư phản ánh của người dân các xã Dục Tú, Mai Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) về việc các cơ quan chức năng cho phép triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn triển khai tại địa bàn.

Theo đó, khu đất đồng Chằm ở xã Dục Tú rộng gần 6.000m2 giáp ranh với xã Mai Lâm thuộc diện đất công ích của UBND xã Dục Tú quản lý. Năm 2015, với Quyết định 06, UBND TP Hà Nội giao khu đất có chức năng dự kiến là đất cây xanh đô thị.

Tuy nhiên, ngày 3/8/2018, UBND TP Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư cho phép nhà đầu tư là Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh.

Theo thông tin công bố dự án kêu gọi đầu tư tại cổng thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, quy mô của dự án tạm tính khoảng 7,1ha, công suất tái chế phế thải xây dựng thông thường dự kiến khoảng 1.000 tấn/ngày và tái chế bùn thải xây dựng khoảng 1.000m3/ngày. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 228,9 tỷ đồng từ vốn ngoài ngân sách.

Người dân chỉ biết đến việc thay đổi dự án cây xanh thành xử lý chất thải khi Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương bắt đầu triển khai xây dựng.

Chỉ vào khu đất đã được san lấp, quây bằng những khối bê tông lớn, một số hạng mục trên khu đất đã được xây dựng, bà Nguyễn Thị Liêm, 81 tuổi ở thông Lý Nhân, xã Dục Tú cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng về việc thành phố chấp thuận đầu tư một dự án xử lý chất thải ở ngay sát khu dân cư. Theo phê duyệt dự án này thì nhà chúng tôi chỉ cách nhà máy chất thải chỉ vài chục đến vài trăm mét nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.

Dự án thiếu thủ tục vẫn triển khai?

Theo ghi nhận của PV, hiện khu đất đồng Chằm đã được san lấp với diện tích lớn, xung quanh được đặt nhiều tấm bê tông lớn làm “ranh giới” với khu vực lân cận. Trong khu đất, còn được xây dựng nhiều nền móng để hình thành các khu nhà xưởng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 74 tuổi, ở xã Dục Tú cho biết: “Chính quyền địa phương đã một số lần mời người dân và chủ đầu tư dự án đến đối thoại nhưng người dân chúng tôi vẫn kiên quyết không đồng ý triển khai dự án vì lo lắng nhà máy xử lý chất thải quá gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Trong khi chúng tôi vẫn đang phản đối, chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục thì họ tự ý đổ đất, dùng bê tông ngăn phần đất, tự ý xây dựng nền móng công trình”.

Dù các hộ dân các xã Dục Tú đã nhiều lần phản đối, chủ đầu tư vẫn quyết tâm triển khai dự án. Trong khi đó, theo hồ sơ của các cơ quan chức năng cung cấp, tới nay dự án mới có các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp phép xây dựng, cũng chưa có ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư…

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Dục Tú xác nhận, dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn trên địa bàn xã còn thiếu nhiều thủ tục nhưng chủ đầu tư đã thực hiện nhiều hành động như tự ý đổ đất, san gạt, đổ chất thải…

“Hiện người dân vẫn bức xúc, lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với người dân nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận”, vị lãnh đạo này cho biết.

Theo GS. Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để nhận được sự đồng thuận của người dân trong triển khai các dự án xây dựng khu xử lý rác thải, ngoài việc bố trí khu vực xử lý, dự án nhà máy ở địa điểm hợp lý, thì phải tìm kiếm công nghệ xử lý phù hợp. Song song đó, còn cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu, đánh giá chính xác về dự án.

Theo Việt Hòa – Báo giao thông

https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-dan-buc-xuc-vi-du-an-cay-xanh-thanh-nha-may-rac-d500713.html

Tin liên quan