Hà Nội: Phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch thành phố năm 2030

Cập nhật: 19/08/2021 08:29

Hà Nội đã, đang đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại. Để tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế Thủ đô, thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch, đồng thời lập phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch thành phố năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 03/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 539/QĐ-TTg về việc chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Minh họa

Cụm công nghiệp nộp thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên tổng diện tích gần 1.400ha, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh và hằng năm nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có khoảng 16 cụm công nghiệp phát triển tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; 54 cụm công nghiệp vẫn cần phải hoàn thiện thêm nữa trong việc đồng bộ hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, cây xanh…

Các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện nay được vận hành quản lý bởi doanh nghiệp và ban quản lý đầu tư xây dựng huyện… Đáng chú ý, mô hình vận hành bởi doanh nghiệp đang phát huy được hiệu quả. Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư đã mang lại sự hiện đại cho các cụm công nghiệp, từ vấn đề cây xanh, hạ tầng khu công nghiệp đến hệ thống xử lý nước thải… đặc biệt đã mang lại nguồn thu bền vững cho đơn vị quản lý.

Theo Sở Công thương Hà Nội, riêng trong năm 2021, Hà Nội phấn đấu khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong giai đoạn 2018 – 2020 và phấn đấu xây dựng hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp. Cụ thể, quý I/2021, khởi công xây dựng 1 cụm công nghiệp; quý II/2021, dự kiến khởi công xây dựng 23 cụm công nghiệp; quý III/2021, khởi công xây dựng 13 cụm công nghiệp và quý IV/2021, khởi công xây dựng 6 cụm công nghiệp còn lại.

Thời gian qua, chính quyền TP. Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp cụ thể. Sở Công thương cùng các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Đến thời điểm này, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của 14 cụm công nghiệp đã được UBND các huyện phê duyệt; 9 cụm công nghiệp hoàn thành công tác xác nhận bản đồ hiện trạng, cấp chỉ giới đường đỏ, đã lấy ý kiến cộng đồng, xin ý kiến góp ý của các sở, ngành và đang trình UBND huyện phê duyệt; 1 cụm đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết…

Phấn đấu xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10 – 15 cụm công nghiệp

Nhằm thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu rà soát toàn bộ tiến độ khởi công các dự án để giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn năm 2021. Kế hoạch này nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thành phố đặt kế hoạch trong năm 2021, 100% cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và được quản lý hoạt động. 95% các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng…

Ngoài ra, thành phố  xúc tiến thu hút đầu tư thành lập mới 10 đến 15 cụm công nghiệp. Đồng thời, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, lập phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”…

theo Phúc Nguyên – theo thời báo tài chính VN

Tin liên quan