Hội nghị thượng đỉnh Nhật – Trung – Hàn Chưa vượt qua được bất đồng

Cập nhật: 14/10/2020 09:28

Theo các nguồn tin ngoại giao, hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rất có thể sẽ không được tổ chức trong năm nay vì Tokyo đã đưa ra thông báo rằng Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ không tham dự nếu Seoul không giải quyết thấu đáo vấn đề tranh cãi đôi bên liên quan đến lao động cưỡng bức thời chiến.

Khúc mắc từ lịch sử

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh 3 bên, vốn được tổ chức mỗi năm một lần kể từ năm 2008 như một diễn đàn nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế cũng như các vấn đề khu vực như chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc đã thông báo với xứ sở kim chi vào cuối tháng 9 rằng, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ “không thể” tham dự trừ khi “các biện pháp thích hợp” được thực hiện để giải quyết các mối quan ngại của họ.

Nguồn: ITN

Quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua sau phán quyết của tòa án cấp cao nhất Hàn Quốc tháng 10.2018, yêu cầu một công ty Nhật Bản trả tiền bồi thường cho 4 người đàn ông vì bị lao động cưỡng bức trong thời kỳ cai trị thuộc địa 1910 – 1945 trên bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cho rằng, phán quyết trên đi ngược lại Hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương năm 1965, theo đó nước này cung cấp viện trợ tài chính cho Hàn Quốc với ý nghĩa rằng vấn đề bồi thường đã được giải quyết “dứt khoát và triệt để”.

Được biết, tài sản thuộc Công ty Nippon Steel Corp. đã Hàn Quốc bị tịch thu và đang được tiến hành thủ tục thanh lý, một kết quả mà Tokyo cảnh báo sẽ gây thiệt hại không thể bù đắp cho quan hệ với Seoul. Một điều kiện mà Nhật Bản đặt ra cho việc Thủ tướng Suga tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên năm nay, cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, là tài sản của các công ty Nhật Bản sẽ không bị bán tháo.

Thực tế, việc các nạn nhân Hàn Quốc kiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đòi bồi thường cho giai đoạn lao động cưỡng bức thời kỳ chiến tranh là một trong những vấn đề mấu chốt khiến quan hệ giữa hai bên căng thẳng. Hàn Quốc vẫn luôn cho rằng, các nhà lãnh đạo và công ty Nhật Bản không thực sự ăn năn trước những việc làm sai trái trong quá khứ và từ chối chịu trách nhiệm pháp lý.

Ông Suga nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào giữa tháng 9 sau khi người tiền nhiệm Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Bằng cách tiếp tục lập trường cứng rắn của ông Abe đối với Hàn Quốc, Thủ tướng Suga có thể đang tìm cách xoa dịu nền tảng bảo thủ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Trong cuộc điện đàm đầu tiên, Thủ tướng Suga nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, quan hệ song phương đang trong “tình huống rất khó khăn”, kêu gọi chính quyền Seoul thực hiện các bước để “trở lại mối quan hệ mang tính xây dựng” và lành mạnh với Tokyo.

Tuy nhiên, Hàn Quốc khó có khả năng đưa ra lời hứa như vậy, vì chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cho biết họ không thể lật lại quyết định của ngành tư pháp do sự phân chia quyền lực. Nếu quy trình được tiến hành, lệnh thanh lý tài sản có thể được ban hành sớm nhất là vào tháng 12. Trong điều kiện như vậy, các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, hội nghị thượng đỉnh ba bên nhiều khả năng sẽ không diễn ra trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu gặp gỡ thường xuyên bên lề các hội nghị quốc tế vào năm 1999 và đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh độc lập từ năm 2008 theo nguyên tắc chủ trì luân phiên. Hai hội nghị trước được tổ chức tại Thành Đô, miền Tây Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái và tại Tokyo vào tháng 5.2018.

Kể từ khi diễn ra theo hình thức hiện tại, hội nghị thượng đỉnh ba bên đã bị hủy hoặc hoãn 4 lần – vào năm 2013 và 2014 do những quan điểm khác nhau về lịch sử thời chiến, vào năm 2016 do tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Hàn Quốc và năm 2017 do xung đột lịch trình với Trung Quốc.

Cần thoát khỏi sa lầy

Sau khi ông Suga trở thành vị thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản, Tổng thống Moon Jae-in đã gửi thư chúc mừng, bày tỏ ý định làm việc cùng nhau để phát triển hơn nữa quan hệ, đồng thời mô tả Nhật Bản là “người bạn thân thiết nhất về mặt địa lý và văn hóa, chia sẻ các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược”.

Ngoài vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, Hàn Quốc và Nhật Bản còn mâu thuẫn về quyết định của xứ sở Phù Tang năm ngoái về việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao, vấn đề hiện được đưa ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo GS. Park Cheol-hee, Trường Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul, tranh chấp diễn ra khi hai quốc gia sa lầy vào các vấn đề lịch sử. Ông cho rằng, “họ phải thoát ra khỏi cái bẫy đó và cố gắng suy nghĩ về những vấn đề khác, thay vì chỉ cố gắng giải quyết tranh cãi lịch sử trước”, “họ có thể tìm thấy rất nhiều lĩnh vực để hợp tác, ngoài những tranh cãi đó. Họ cần thực hiện phương pháp tiếp cận song phương hoặc đa phương. Và cách duy nhất để cải thiện quan hệ là thông qua đối thoại”.

GS. Park nhận định, đột phá ngoại giao chỉ có thể xảy ra nếu hai bên cố gắng tìm ra điểm chung và cần định vị quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản trong bối cảnh chiến lược lớn hơn. Bởi Hàn Quốc và Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng về giá trị và hệ thống, từ dân chủ, kinh tế thị trường đến pháp quyền và nhân quyền. Nói cách khác, cả hai đang ở cùng một phía trong bối cảnh toàn cầu.

Kinh tế – nền tảng quan hệ ba bên

Là những nền kinh tế lớn nhất, nhì và thứ tư ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút kinh tế trong thời gian qua. Chính vì thế, trong nỗ lực nâng cao tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Á, ngay từ năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Thành Đô, Bắc Kinh đã muốn đứng giữa để kéo Tokyo và Seoul lại gần nhau, nhất là vấn đề thương mại.

Phó giáo sư kinh tế chính trị He Ping tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết, “tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ đơn giản là về thương mại song phương, mà có tác động quan trọng đến các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc vì chuỗi sản xuất khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông, Bắc Kinh mong muốn cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong thương mại tự do khu vực và thế giới.

Thực tế, kinh tế vẫn luôn là mối quan hệ cơ bản giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với tổng giá trị thương mại ba bên đạt hơn 720 tỷ USD vào năm 2018. Kết hợp lại, ba quốc gia chiếm 24% thương mại toàn cầu. Năm 2019, các nhà lãnh đạo ba quốc gia đã nhất trí cùng thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại đa phương mở rộng bao trùm khắp châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù tương lai của nó chưa chắc chắn (Ấn Độ đã từ chối tham gia RCEP đầu năm 2019, nhưng 15 thành viên còn lại dự kiến ​​ký hiệp định vào năm 2020). Bộ ba cũng cam kết hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản. Hiệp định thương mại này lần đầu tiên được đề xuất năm 2002 và các cuộc đàm phán bắt đầu năm 2012.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, mối quan hệ bất ổn giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo cơ hội cho ba nước hướng về nhau nhiều hơn để giải quyết những thách thức chung trên nhiều mặt trận, nhất là kinh tế.

theo Linh Anh – báo địa biểu nhân nhân

Tin liên quan

Việt Nam đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ xây dựng chính sách, đạo tạo nhân lực năng lượng nguyên tử - Cập nhật: 22/03/2024 12:50
Thỏa thuận về Không gian Dữ liệu Y tế châu Âu Công cụ giám sát và phòng, chống các đại dịch - Cập nhật: 20/03/2024 09:34
Mở ra dấu mốc quan quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Australia, New Zealand - Cập nhật: 12/03/2024 10:44
Đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa - Cập nhật: 11/03/2024 08:41
Việt Nam – Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện - Cập nhật: 07/03/2024 16:25
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN–Australia; thăm chính thức Australia, New Zealand - Cập nhật: 04/03/2024 09:21
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand - Cập nhật: 01/03/2024 15:20
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen - Cập nhật: 29/02/2024 11:01
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên điều trần nghị viện tại Liên Hợp Quốc - Cập nhật: 15/02/2024 09:24
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Philippines và phu nhân - Cập nhật: 30/01/2024 11:12