Mở ra triển vọng cải thiện quan hệ Nga – Mỹ

Cập nhật: 18/06/2021 06:25

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ đã kết thúc trong ngày 16-6 với việc hai bên ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Hội nghị này được Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đánh giá là mang tính xây dựng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: RIA Novosti

Theo TASS, sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi ở biệt thự cổ La Grange, bên hồ Geneva, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Tuyên bố chung khẳng định: “Nga và Mỹ đã chứng minh được rằng ngay cả trong thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung để đảm bảo khả năng có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược và giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang cũng như nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định sự tuân thủ nguyên tắc rằng không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được để cuộc chiến đó xảy ra”. Tuyên bố chung của hai nước cũng nêu rõ, để đạt được những mục tiêu này, hai bên sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược.

Thông qua cuộc đối thoại này, Moscow và Washington đặt mục tiêu tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Ngoài ra, Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Mỹ J.Biden đã nhất trí hợp tác giải quyết mối lo ngại chung về an ninh mạng như cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu, cũng như gửi đại sứ trở lại thủ đô của hai nước.

Quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió liên quan đến hàng loạt vấn đề như việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ mà Moscow luôn bác bỏ hay dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”… Gần đây nhất, căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Trả lời phỏng vấn NBC News trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ J.Biden, Tổng thống Nga V.Putin nhận định, quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.Kết thúc hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo riêng. Phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống V.Putin đánh giá: “Cả hai bên đều thể hiện mong muốn hiểu nhau và tìm cách đưa các quan điểm xích lại gần nhau hơn. Cuộc hội đàm mang tính xây dựng đã diễn ra”. Về phần mình, tại cuộc họp báo riêng, Tổng thống Mỹ cho biết, sau cuộc hội đàm với ông V.Putin, đã xuất hiện những triển vọng trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga. Ông J.Biden khẳng định: “Tổng thống V.Putin và tôi có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia hùng mạnh và đáng tự hào. Và mối quan hệ đó phải ổn định và có thể đoán trước được”. Ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý, chương trình nghị sự của Mỹ không nhằm vào Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva chính là cơ hội để Moscow và Washington thẳng thắn thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có lợi ích chung. Sự kiện này cũng đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ kể từ khi ông J.Biden nhậm chức. Người đứng đầu nước Nga đã khen ngợi ông chủ Nhà Trắng là chính trị gia “có tinh thần xây dựng, cân bằng và giàu kinh nghiệm”. Nhờ đó, ông V.Putin và ông J.Biden đã tìm được tiếng nói chung và có thể thảo luận chi tiết về nhiều vấn đề.

Theo ông Thomas Graham, cựu trợ lý về Nga của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, dù không đạt được đột phá nhưng cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Mỹ là một sự khởi đầu thuận lợi trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố chung về ổn định chiến lược được coi là minh chứng rõ ràng cho thấy Nga và Mỹ hiểu rõ về sự cần thiết của việc hợp tác với nhau nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn TASS, ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định, việc lãnh đạo hai nước Nga, Mỹ khẳng định không thể có kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ để cuộc chiến đó xảy ra là một tuyên bố quan trọng với toàn nhân loại. Bởi lẽ, Mỹ và Nga là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và đều nắm giữ ghế Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ đang căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng, việc lãnh đạo của hai cường quốc đồng ý gặp mặt trực tiếp và cùng nhau hội đàm là một tín hiệu tích cực không chỉ đối với Washington và Moscow mà còn với phần còn lại của thế giới. Những cuộc tiếp xúc giữa các bên có thể không xóa bỏ được mọi mâu thuẫn, song sẽ giúp củng cố lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu quan trọng nhất, hãng tin TASS nhận định.

theo LÂM ANH – Báo Quân đội nhân dân 

https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/mo-ra-trien-vong-cai-thien-quan-he-nga-my-662840

Tin liên quan