Nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế

Cập nhật: 06/09/2022 11:24

Các bộ, ngành nắm chắc diễn biến, theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp điều hành kinh tế-xã hội phù hợp từ nay đến cuối năm. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 6/9, tại Trụ sở Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 8 tháng của năm 2022; phiên họp này có 4 nội dung quan trọng, trong đó đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, từ đó có đánh giá, dự báo tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình 8 tháng qua có nhiều biến động lớn: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; biến đổi khí hậu gay gắt; giá dầu, khí đốt tiếp tục biến động, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng; chính sách tiền tệ, phòng, chống dịch các nước tác động điều hành kinh tế vĩ mô trong nước; dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; thị trường xuất khẩu thu hẹp lại do nhiều biến động (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…); các vấn đề liên quan sản xuất, kinh doanh đều bị tác động và ảnh hưởng.

Nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế ảnh 1
Thủ tướng Phạm Mình Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương ngày càng nặng nề hơn: đó là, phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm; các dự án thua lỗ, kéo dài, các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn phải giải quyết; xuất hiện các dự án kéo dài, đội vốn, liên quan các dự án nhiệt điện lớn…, các dự án thép, đạm.

Liên quan các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề do quy mô nền kinh tế lớn hơn, dẫn đến điều hành vất vả hơn; yêu cầu của nhân dân càng ngày càng tăng; cạnh tranh giữa các nước ngày càng tác động, khó khăn hơn đối với Việt Nam; những biến động về tỷ giá… Các vấn đề này diễn ra rất nhanh chóng, khó lường, khó dự báo; các loại thị trường của Việt Nam đều bị tác động.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, song chúng ta đang kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng; bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; bảo đảm nhu cầu năng lượng; thị trường lao động phục hồi bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; tăng cường công tác đối ngoại…

Nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế ảnh 2
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ vấn đề tồn tại như đầu tư công, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ, một bộ phận nhân dân còn khó khăn, những vấn đề liên quan trật tự an toàn xã hội, an ninh phi truyền thống.

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu phải dự báo sát tình hình để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi. Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến “đúng, trúng”, đi thẳng vào vấn đề, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học để thời gian tới làm tốt hơn.

Nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế ảnh 3
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, cả nước có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,5% so tháng trước; tăng 106,9% so cùng kỳ năm trước. Cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 177,8% so tháng trước và tăng 67,1% so cùng kỳ năm 2021; có 3.756 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,9% so tháng trước và tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2021; có 4.453 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 77,3% so cùng kỳ năm 2021; có 1.953 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,5% so tháng trước và tăng 140,5% so cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân 1 tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 51,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Tin liên quan