Nhanh chóng kiểm soát dịch sốt xuất huyết ở nhiều tỉnh, thành

Cập nhật: 08/06/2022 09:03

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, từ ngày 23-29/5, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 164 ca. Tổng số ca cộng dồn từ đầu năm đến nay là 813 ca, số ca tử vong là hai ca. Các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết là huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang triển khai giám sát chặt chẽ, xử lý ổ bệnh kịp thời, cấp cứu, điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ bệnh, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Sở Y tế Tiền Giang tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở…

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Chơn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết: Đơn vị đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát sau chiến dịch diệt lăng quăng ở các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao; đồng thời, giám sát thực địa một số địa bàn có bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp để đưa ra một số biện pháp phù hợp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy.

Còn tại Sóc Trăng, tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca mắc sốt xuất huyết dengue, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 23 trường hợp sốt xuất huyết dengue nặng và 1 trường hợp tử vong; ghi nhận ở 128 ổ dịch, tăng 130% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số ca mắc cao là thị xã Vĩnh Châu và các huyện: Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú.

Để ngăn chặn sốt xuất huyết, các đồn biên phòng tỉnh đã có sáng kiến về mô hình nuôi và nhân giống cá bảy màu để tặng cho người dân trên địa bàn. Việc nuôi cá bảy màu giúp diệt lăng quăng, không cho chúng phát sinh thành muỗi, trung gian truyền bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Đây là một giải pháp rẻ tiền, dễ dàng triển khai, hộ dân nào cũng có thể thực hiện được để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2022 đến nay lực lượng Biên phòng đã tặng cho người dân tại các phường, xã biên giới của tỉnh Sóc Trăng hơn 5.000 con cá bảy màu để diệt lăng quăng.

Ngoài việc tặng cá bảy màu để diệt lăng quăng, cán bộ Biên phòng còn tăng cường công tác tuyên truyền về các phương pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho các hộ gia đình.

Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình, tuyên truyền qua mô hình “Tiếng loa biên phòng” hay phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền qua loa truyền thanh của địa phương.

Riêng trong tháng 5/2022, cán bộ các đồn Biên phòng đã phát hơn 2.000 tờ rơi về cách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn biên giới thị xã Vĩnh Châu.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, các ngành chuyên môn, địa phương và người dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diệt sạch lăng quăng (bọ gậy), kiểm soát tốt lăng quăng nơi ở, nơi làm việc thì sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, phòng chống tốt dịch bệnh sốt xuất huyết.

theo Diệu Thảo – Báo Pháp luật VN

Tin liên quan