NQ Chính phủ: Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Cập nhật: 11/05/2022 10:12

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng dẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì  Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiến hành quyết liệt, đồng bộ, hoàn thành với các môc thời gian cụ thể.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp

Nội dung nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ dịch bệnh… có thể tác động, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, sức ép lạm phát còn lớn; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng; thiên tai, bão lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật…

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022, số 290/CĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát, kiên quyết, nhất quán điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo chủ trương của Chính phủ.

Công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng phù hợp với tình hình thực tế; kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. Khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án trọng điểm khác. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ.

Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, điều hành, bình ổn giá phù hợp, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân, tránh gây bất ổn thị trường, tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu; kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Khơi thông điểm nghẽn về huy động các nguồn lực

Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế; thúc đẩy hình thức hợp tác công tư (PPP); đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp thiết thực cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là vật tư chiến lược (xăng dầu, than, phân bón…).

Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 thành công, hiệu quả, tiết kiệm, nêu cao tinh thần thể thao cao thượng để góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng và cả nước.

Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 và số 15/CĐ-TTg ngày 18/4/2022, bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, đúng quy định và ổn định thị trường; chú trọng hơn nữa thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, tích cực hoàn thiện các báo cáo trình cấp có thẩm quyền về các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp yếu kém theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục theo dõi tình hình quốc tế khu vực, nhất là xung đột Nga – Ukraine, diễn biến và ứng phó với dịch COVID-19 trên thế giới, tình hình lạm phát thế giới, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp phù hợp ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tổ chức triển khai quyết liệt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, bảo đảm đáp ứng tiến độ được giao. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và sự đồng thuận, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đối với Đề án này.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Công khai đơn vị chưa giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/3/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan, địa phương khác đã có dự án và nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quyết nghị tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 của Chính phủ; trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do và phương án xử lý phù hợp, khả thi, bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu, kế hoạch.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông liên quan công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương, địa phương năm 2022, chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/3/2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong tháng 5/2022.

Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng tài khoản tạm thu tại các ngân hàng thương mại để thực hiện thu phí, lệ phí nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi việc gia tăng nợ xấu, sở hữu chéo của ngân hàng thương mại và cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và không để bị phá sản, đổ vỡ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, tài khóa; có giải pháp phục hồi hiệu quả và phát triển thị trường vốn mạnh mẽ, an toàn, bền vững, lành mạnh.

Nghiên cứu, đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội.

Tập trung chỉ đạo rà soát toàn bộ kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt chú ý phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả về năng lực sản xuất và truyền tải điện, bám sát tình hình phụ tải và có phương án trong trường hợp phụ tải tăng cao, hệ thống truyền tải điện luôn đặt vào trạng thái sẵn sàng để bảo đảm điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp.

Chủ động chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô và những ngày nắng nóng; cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép; chặt phá, chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách về quản lý xây dựng, cắt giảm các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ trì cùng với bộ, ngành liên quan đề xuất tổ chức Hội nghị trong tháng 5/2022 để đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và những tháng đầu năm 2022; đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng trước ngày 30/6/2022 tại các dự án đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Biên Hòa-Vũng Tàu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sau khi Hội nghị Trung ương 5 thông qua Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật về đất đai.

Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 và các văn bản khác nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2022; đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, người lao động.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong tháng 5/2022.

Ban hành Kế hoạch và chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Tổ chức thành công SEA Games 31

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả việc thực hiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; thực hiện nghiêm túc Công điện số 381/CĐ-TTg ngày 25/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và nghỉ hè.

Tập trung rà soát các công việc cần thiết, tổ chức thành công SEA Games 31 với hình ảnh Việt Nam an toàn, mến khách và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong nhân dân; hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn tới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành các quy định quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phát động, tổ chức hưởng ứng, kỷ niệm thiết thực, hiệu quả Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Khẩn trương hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, diesel, nhiên liệu sinh học để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011; trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mua, tiếp nhận và tiêm vaccine, trong đó hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trong quý 2/2022; triển khai quyết liệt, khoa học, an toàn, hiệu quả việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, báo cáo và cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, chân tay miệng…

Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về sử dụng thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19 an toàn, hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng chống chỉ định, bảo đảm người dân tiếp cận thuốc một cách thuận tiện; tăng cường quản lý giá thuốc, chống đầu cơ, tăng giá, tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chuẩn bị điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp theo kế hoạch năm học bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả; thực hiện ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Rà soát quy định bất cập của pháp luật về đầu tư công

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện dự thảo các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan rà soát những quy định bất cập của pháp luật đầu tư công, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết trong tháng 5/2022. Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thành trong tháng 5/2022.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn dịp lễ 30/4, 1/5 và SEA Games 31, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ tại các địa bàn, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Hoàn thành trong tháng 5/2022 việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 5/2022.

Bộ Quốc phòng chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống.

Gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 và kết luận tại phiên họp thứ hai (ngày 27/4/2022) của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Chỉ đạo các nhà mạng phát triển hạ tầng số, có chính sách chuyển nhanh các thuê bao sang sử dụng máy điện thoại thông minh. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương huy động, thuê chuyên gia về chuyển đổi số đối với các nhiệm vụ yêu cầu tính chuyên nghiệp mà cơ quan nhà nước thiếu nhân lực. Khẩn trương xem xét, giải quyết việc cấp băng tần số vô tuyến điện cho Bộ Công an.

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, cơ quan liên quan tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền thông; gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; đổi mới sáng tạo phương thức, hình thức hoạt động truyền thông. Phối hợp với Bộ Y tế chủ động trong định hướng dư luận, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin xã hội. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình, kết quả triển khai các Nghị quyết, chỉ thị, công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thích ứng an toàn và không chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các biến thể mới (nếu có).

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tổ chức thông tin tuyên truyền đậm nét hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; phương án bảo đảm y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới; các hoạt động của SEA Games 31; việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh, tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2022; việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… Tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tọa đàm trao đổi.

Không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia, vừa đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025 để phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 trong quý 2/2022.

Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Than-Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp ngành điện trong nước thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 13/4/2022 và chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tăng cường công tác phối hợp thực hiện về phát triển điện, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện, không để thiếu điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

theo Xuân Lan – Báo công lý

https://congly.vn/nq-chinh-phu-day-nhanh-tien-do-dieu-tra-cac-vu-an-vu-viec-kinh-te-tham-nhung-dac-biet-nghiem-trong-207292.html

Tin liên quan