“Quả ngọt” trên vùng đất khô cằn biên giới

Cập nhật: 31/05/2022 11:28

Những vườn quýt, nhãn sai trái nối tiếp nhau mở rộng trên vùng đất vốn khô cằn; những trang trại chăn nuôi quy mô cũng dần hình thành nhờ vào sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trên vùng biên giới Buôn Đôn. Giờ đây, vùng đất nổi tiếng của xứ sở Voi sẽ thêm xanh khi hệ thống cấp nước tưới tiêu quy mô lớn đang “thai nghén”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị làm việc tại huyện Buôn Đôn

Dự án cấp nước 320 tỷ đồng

Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Ya Toan Ênuôl cho biết, HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua danh mục 3 dự án đầu tư trong thời gian tới, trong đó có dự án xây dựng Hệ thống sử dụng nước tưới Buôn Đôn từ hồ Sêrêpôk 3. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới tự chảy cho diện tích đất nông nghiệp canh tác đang thiếu nước, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân ở khu vực hạ du hồ Sêrêpôk 3; góp phần thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị, củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Dự án này cấp nước tưới tự chảy có mục tiêu phục vụ cho 7.500 ha đất canh tác của 4 xã (từ cao trình tự nhiên 260m trở xuống); tạo nguồn tưới bơm cho khoảng 1.500 ha chủ yếu của xã Tân Hòa (từ cao trình tự nhiên 260m đến 300m); cấp sinh hoạt cho 4 xã với dân số 32.000 người; cấp nước phục vụ chăn nuôi 1,5 triệu m3/năm. “Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 được phê duyệt khoảng 320 tỷ đồng. Khi công trình này hoàn thành không chỉ giải quyết được khâu nước tưới cho hàng ngàn ha trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả… mà còn cung cấp lượng nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân khu vực lân cận”, ông Ya Toan Ênuôl nói.

Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho biết thêm, hồ thủy lợi Sêrêpôk 3 rộng khoảng 3.700 ha, có đặc điểm không khi nào hết nước, kể cả mùa khô cao điểm; có thể dẫn nguồn nước tưới về cho các xã mà không cần lắp máy bơm. Dự án chỉ cần đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước, chi phí hợp lý, thời gian sử dụng lâu; quá trình thực hiện dự án, có thể tận dụng mặt nước hồ để cho thuê làm du lịch sinh thái, điện năng lượng mặt trời.

Dự án xây dựng Hệ thống sử dụng nước tưới Buôn Đôn từ hồ Sêrêpôk 3 được ông Ya Toan Ênuôl hình thành ý tưởng khi mới về nhận chức vụ Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn (tháng 3/2020). “Dự án này bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết cho tưới tiêu, sinh hoạt mà nhân dân huyện khao khát nhiều năm qua. Nông nghiệp là lĩnh vực chính của huyện, do đó tôi rất tâm huyết và tin tưởng tính khả thi của dự án sau khi khảo sát, tính toán kỹ. Theo đó, dự án được xây dựng theo cơ chế tận dụng nguồn nước hồ lớn nằm trên cao, để cung cấp nước tưới tự chảy cho vùng hạ du bằng việc lắp đặt hệ thống ống dẫn…”, ông Y Toan thông tin.

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Năm 2021 là năm khó khăn chung do tác động của đại dịch COVID-19 song với quyết tâm cao độ, áp dụng tinh thần “mục tiêu kép”, nền kinh tế huyện Buôn Đôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện thăm chốt phòng chống dịch Covid-19

Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Vũ Hồng Nhật cho biết, trong năm 2021, với sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của Huyện ủy, HĐND huyện; UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch đầu năm, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của huyện trong sản xuất, chú trọng công tác an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kết quả trong năm 2021 cho thấy, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có một số chỉ tiêu quan trọng đã đạt kế hoạch và vượt so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 131,1% dự toán huyện giao, đạt 132,7% dự toán của tỉnh giao.

Buôn Đôn là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ và hạn hán, đất đai cằn cỗi. Nền nông nghiệp kém phát triển, nông dân chủ yếu làm lúa một vụ và trồng điều, thu nhập bấp bênh. Xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk thăm mô hình làm kinh tế giỏi ở huyện Buôn Đôn

Nhiều nông dân trên địa bàn huyện được tham gia tập huấn, trang bị được kiến thức, kinh nghiệm các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với đó, đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016 – 2020” do UBND huyện Buôn Đôn triển khai quyết liệt đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là khu vực biên giới. UBND huyện Buôn Đôn cho triển khai thí điểm các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng vùng trong huyện và hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt đối với vùng biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn và người dân tộc thiểu số, trong đó hướng đến phát triển cây nông nghiệp có múi. Bước đầu đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, từ khi triển khai đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016 – 2020”; Nghị quyết số 24 về việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, huyện đã có hơn 600 ha cam, quýt, bưởi, mít… đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, đề án còn giúp đồng bào thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, tuân thủ quy trình canh tác, áp dụng khoa học – kỹ thuật. Nhiều mô hình đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và dần xây dựng được thương hiệu trong tỉnh…

Tin liên quan