Sáp nhập cấp huyện, xã: “Có tâm tư là lẽ đương nhiên”

Cập nhật: 12/02/2020 09:28

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ có tâm tư, đó là lẽ đương nhiên. “Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Đó là tâm tư, băn khoăn”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sáng ngày 11/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, gồm: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.

Thêm 6 tỉnh, TP sắp xếp, cả nước giảm được 6 huyện, 544 xã

Như vậy, tính đến thời điểm này, qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 44/45 tỉnh, TP (TP Hồ Chí Minh chưa trình đề án), trên cả nước giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 544 đơn vị hành chính cấp xã.

Trước khi biểu quyết thông qua, vấn đề sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên) có nhiều ý kiến băn khoăn, thảo luận.

Đây là lần thứ 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Cao Bằng.

Tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 76 đơn vị hành chính cấp xã.

Còn việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.

Có băn khoăn, thậm chí quá băn khoăn

Giải trình, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định, quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, khoa học và đúng pháp luật.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn

“Cử tri rất đồng thuận”, ông Môn nói. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, khi sáp nhập các đơn vị hành chính có băn khoăn, thậm chí quá băn khoăn vì có “người tăng chức, có người lại xuống chức, đang ở gần lại đi làm xa”. Tuy nhiên, Thường vụ Tỉnh uỷ đã đưa ra kịch bản giải quyết tất cả khó khăn.

Ông Lại Xuân Môn khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện thì khó khăn là trước mắt, thuận lợi là lâu dài, đặc biệt là vấn đề kinh tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trước lo lắng về vấn đề quốc phòng, an ninh, Bí thư tỉnh Cao Bằng nêu rõ, “chúng tôi đi thăm thường xuyên khu vực biên giới, rất ổn định. Đây là, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không riêng Cao Bằng. Tôi đã làm việc với quân khu thì các đồng chí đồng thuận lắm”.

Từ đó, ông Môn đề nghị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện còn lại của tỉnh Cao Bằng.

Còn nhiều việc phải làm

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc sáp nhập không cứng nhắc, thực hiện hữu cơ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết

“Bí thư Tỉnh ủy nói, Tỉnh ủy Cao Bằng, HĐND đã đồng thuận cao. Nếu nhập vào sẽ phát triển kinh tế tốt hơn, phòng thủ quốc phòng tốt hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt hơn, như vậy, yếu tố mà ta đang lo lắng đã được bảo đảm”, bà Ngân nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ có tâm tư. “Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Đó là tâm tư, băn khoăn. Chúng ta cũng thế thôi chứ đừng nói cấp huyện. Đó là lẽ đương nhiên”, bà Ngân nói.

Cũng theo bà Ngân, sau khi Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính thì còn nhiều việc phải làm.

Bà đặc biệt đề nghị, tỉnh Cao Bằng phải bảo đảm phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân sau khi nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

theo Hương Giang – cand.com.vn (Báo CAND)

http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/sap-nhap-cap-huyen-xa-co-tam-tu-la-le-duong-nhien_t114c67n160105

Tin liên quan