Sẽ công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Cập nhật: 13/06/2022 16:25

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng 13/6.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.

Công tác y tế của Việt Nam có nhiều mặt tốt hơn so với các nước có cùng mức thu nhập

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nước ta là một nước đang phát triển, mấy năm gần đây mới vươn lên có thu nhập trung bình nhưng rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá các mặt công tác y tế của Việt Nam có rất nhiều mặt tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, có được kết quả đó, ngoài nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống Đảng, chính quyền từ trung ương, địa phương còn có sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ.

Đề cập đến một vấn đề mới trong dự thảo luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là vấn đề chức danh nghề nghiệp và giấy phép hành nghề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vai trò Hội đồng Y khoa học quốc gia đã được luật đề cập và sẽ tiếp tục phải nghiên cứu và đề cập sâu hơn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, theo xu hướng chung của thế giới, cần một cơ quan độc lập. “Tức là ngoài bộ máy hành chính Nhà nước để tiến hành kỳ thi đánh giá năng lực cả về lý thuyết và thực hành trên một mặt bằng thống nhất chung và sau đó cấp chứng chỉ hành nghề”, Phó Thủ tướng cho hay.

Dẫn lại nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ yêu cầu “thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề”, Phó Thủ tướng cho biết, trong luật sẽ quy định về nguyên tắc và phải có một lộ trình phù hợp. “Tinh thần việc thi để có một mặt bằng chung là hết sức cần thiết.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.

Về việc cấp phép, theo Phó Thủ tướng, chúng ta sẽ nghiên cứu để cho đúng xu thế cải cách hành chính thật là gọn.

“Chúng ta cũng đã có những thông lệ trước đây. So sánh có thể không chính xác lắm, có phần hơi khập khiễng nhưng cũng so sánh được. Ví dụ, Bộ Nội vụ tổ chức thi chuyên viên cao cấp, dựa trên kết quả đó thì chính quyền các cấp và các bộ bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, sau này, những việc đó chúng ta sẽ thực hiện đúng theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền và gắn trách nhiệm cấp với trách nhiệm thu hồi nhưng trên một mặt bằng chung, thống nhất và làm sao không có ách tắc trong quá trình thực hiện”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, cần phải đặc biệt lưu ý đến chức danh nghề nghiệp liên quan đến lực lượng vũ trang vì lực lượng vũ trang cũng có tham gia khám, chữa bệnh cho người dân.

“Chúng ta tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, quy định phù hợp với xu thế của thế giới về các chức danh này nhưng vẫn phải đảm bảo đặc thù của 2 lực lượng này và thẩm quyền làm sao cho phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống”, Phó Thủ tướng cho hay.

Về vấn đề ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, theo Phó Thủ tướng, đây là một vấn đề không mới. “Tới đây, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta có các công cụ trợ giúp dịch tự động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tinh thần của Chính phủ đã chỉ đạo và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới”, Phó Thủ tướng cho hay.

Làm rõ thêm về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần không chỉ không hạn chế mà phải khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ có chất lượng cao vào, để người dân Việt Nam có thể tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến sớm.

“Chúng ta không nói sớm nhất, nhưng mà sớm, không được muộn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có các quy định về ngôn ngữ theo đúng thông lệ quốc tế, thông lệ trong khu vực và để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn một số người chất lượng không cao nhưng vào để mở những phòng khám rất nhỏ hoặc hành nghề nhỏ ở những chuyên ngành mà không nhất thiết phải trình độ công nghệ cao và tiên tiến. Đặc biệt, liên quan tới một số căn bệnh mà mọi người không muốn công khai ra và đến khám”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực tế, trong những năm vừa qua, chúng ta đã phải quản lý rất chặt. “Thực ra quản lý số lượng này không nhiều và chúng tôi sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phải quản lý giá dịch vụ y tế

Về vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến theo đúng chuyên môn, nhưng tinh thần vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền theo tổ chức bộ máy đảng, chính quyền các cấp.

Về vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp đột phá.

“Bởi đến nay, dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn, bước ngoặt nhưng đến giờ phút này chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 các phòng khám của tư nhân. Tôi dùng từ là “mới có” bởi vì thực tế số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, việc này không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, về đất đai, về ngân sách nhà nước.

“Ở đây có một vấn đề là giá dịch vụ của các bệnh viện tư, chúng ta quy định theo hướng có quy định khung hay để các cơ sở này tự quy định. Chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư. Chúng ta quản lý bằng rất nhiều công cụ, trong đó trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá”.

“Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ để cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn. Chúng ta cố gắng đặt ra mục tiêu đến năm nay lẽ ra phải là 10% số giường bệnh mà chúng ta mới đạt được một nửa. Các chuyên gia nước ngoài nói rằng trong vòng khoảng 10-20 năm chúng ta phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Sẽ công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp.

Về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là đặc thù với Việt Nam, rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng.

“Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Nhưng tới đây, luật pháp cũng cần quy định rõ hơn và chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là chỉ có một cách là bắt tất cả công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu”, Phó Thủ tướng nói.

theo Minh Khôi – Báo pháp luật VN

Tin liên quan