Sở Công Thương Thái Bình: Tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại quý I. Nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022

Cập nhật: 31/05/2022 11:43

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh covid – 19 thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong nước, với những thời cơ, thuận lợi và được kế thừa những kết quả quan trọng đã đạt được, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì đà phục hồi trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nền kinh tế cả nước nói chung và kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

     Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, nhất là, đợt bùng phát dịch đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế; một số khu công nghiệp. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Ngành khai khoáng đạt 93,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 93,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 27.235 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 28,4% kế hoạch.

     Trong bối cảnh dịch bệnh đã có nhiều tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tuy nhiên kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4/2022 ước đạt 326 triệu USD, giảm 26,3% so với tháng trước và giảm 6,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 174 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152 triệu USD, giảm 42,9% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 691 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30,1% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 746 triệu USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 41,5% kế hoạch năm.

– Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 ước đạt 14.301 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước đạt 12.616 tỷ đồng, chiếm 88,2% tổng mức và tăng 11,6% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 30 tỷ đồng, giảm 10%; dịch vụ ăn uống ước đạt 837 tỷ đồng, tăng 19,4%; dịch vụ lữ hành ước đạt 0,7 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 817 tỷ đồng, chiếm 5,7% tổng mức và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

– Kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 ước đạt 474 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 60,4%; xơ sợi dệt các loại tăng 43,2%; hàng hóa khác tăng 43%; sản phẩm từ sắt thép tăng 42,5%; hàng dệt may tăng 33,5%,… Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm như: Sắt thép giảm 85,2%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 47,9%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 28,9%; hàng thủy sản giảm 20,3%; sản phẩm gỗ giảm 17,6%;…

– Kim ngạch nhập khẩu quý I/2022 ước đạt 457 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn đều tăng cao so với cùng kỳ như: Vải các loại đạt 128 triệu USD (chiếm 28,1%), tăng 40,2%; xăng dầu các loại đạt 127 triệu USD (chiếm 12 27,9%), tăng 47,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 82 triệu USD (chiếm 17,9%), tăng 36,3%; hàng hóa khác đạt 44 triệu USD (chiếm 9,6%), tăng 26,8%.

     Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó Khai khoáng giảm 20%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,9%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 3,2%.

      Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2022 ước đạt 20.847 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó Kinh tế Nhà nước ước đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 2,3%; Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 15.271 tỷ đồng, tăng 13,4%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.851 tỷ đồng, tăng 38,6% so cùng kỳ. Theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai thác ước đạt 99 tỷ đồng, giảm 11,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 19.502 tỷ đồng, tăng 17,0%: Ngành sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 8,1%: Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 118 tỷ đồng, tăng 3,7%.

Ngành sản xuất đồ uống: Sản phẩm bia hơi ước đạt 795 nghìn lít, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2021; sản phẩm bia chai ước đạt 250 nghìn lít, đạt 17%; sản phẩm bia lon ước đạt 2.203 nghìn lít, bằng 50,6%.

Ngành dệt: Sản phẩm sợi từ bông tổng hợp quý I/2022 ước đạt 18,1 nghìn tấn, tăng 32,9%. Sản phẩm khăn mặt ước đạt 11,4 nghìn tấn, tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2021.

Ngành may: Sản phẩm bộ comple quần áo đồng bộ các loại quý I/2022 ước đạt 20.421 nghìn cái tăng 35,3%, sản phẩm áo sơ mi dành cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc ước đạt 10.081 nghìn cái, tăng 30,7% so cùng kỳ.

Ngành sản xuất kim loại: Sản phẩm sắt thép không hợp kim dạng thỏi đạt ước đạt 50,9 nghìn tấn, bằng 41,0%; sắt thép không hợp kim dạng cán 47 nghìn tấn, đạt 88,5% so cùng kỳ.

Ngành sản xuất điện tử: Sản phẩm tai nghe quý I/2022 ước đạt 8,3 triệu cái và tăng 23,0%. Sản phẩm sản phẩm đèn led sử dụng cho cây thông Noel ước đạt 772,7 nghìn bộ, tăng 10,6% so cùng kỳ.

Ngoài ra một số sản phẩm công nghiệp khác trong kỳ như: Sản phẩm khí tự nhiên dạng khí giảm 2,1%; Sản phẩm cần gạt nước dùng trong ô tô tăng 8,5%; sản phẩm túi khí an toàn tăng 51,3%; sản lượng điện sản xuất tăng 4,7%.

      Trước những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; ảnh hưởng của xung đột chính trị, quân sự trên thế giới, nguy cơ bất ổn tài chính – tiền tệ gia tăng, thị trường giá cả biến động đặc biệt là giá xăng dầu…) đã tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của tỉnh. Gây ra giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh ở mức cao, đặc biệt giá xăng dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên toàn tỉnh gây tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất tạm thời. Một số công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương chậm được triển khai theo kế hoạch do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

       Nhưng với sự tham mưu kịp thời và xây dựng được kế hoạch hợp lý nên tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tiếp tục chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực của tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ khởi sắc, đặc biệt là ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 tăng 12% so với cùng kỳ.

– Thị trường xăng dầu biến động phức tạp, giá xăng tăng cao và thiếu hụt về nguồn cung, tuy nhiên  các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.

       Giải pháp trong thời gian tới theo đó, cần tập trung thực hiện các nội dung trong thời gian tới, bao gồm:

Triển khai xây dựng Phương án xử lý cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

 Tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành công thương giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến 2030; Kế hoạch thực hiện “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; Kế hoạch thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

  Tiếp tục rà soát, bổ sung CCN trên địa bàn tỉnh để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ven sông Trà Lý thuộc địa bàn thành phố Thái Bình để phát triển đô thị.

 Tiến hành khảo sát thu thập thông tin về năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm ngành công thương trên địa bàn tỉnh.

–   Phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện và thành phố thẩm định các xã nông thôn mới nâng cao. Kiểm tra kết quả thực hiện xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh.

–  Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu tại Công văn số 746/UBND-CTXDGT ngày 11/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo việc đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu mới thay thế văn bản số 4634/UBND-KT ngày 31/10/2019 của UBDN tỉnh.

–   Phối hợp với Cục quản lý thị trường Thái Bình kiểm tra, kiểm soát và chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, vật tư thiết bị y tế đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân, tránh đầu cơ, găm hàng, hàng giả.

–  Triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022.

–   Triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn công nghiệp đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; về hóa chất; an toàn thực phẩm.

 Tổ chức Hội nghị tập huấn về quy tắc xuất xứ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Hội nghị tập huấn phổ biến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hội nghị tập huấn về các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Hội nghị tập huấn về công tác khuyến công cho các tổ chức, cá nhân làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Hội nghị “Phổ biến, triển khai các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và của UBND tỉnh Thái Bình về công tác khuyến công”./.

Tin liên quan