Sơ thẩm vụ cựu Phó Chánh án Quận 4 kêu oan: Cáo buộc ‘xâm phạm chỗ ở’ mâu thuẫn với kết luận của UBND phường

Cập nhật: 30/12/2020 09:35

Ngày 29/12, TAND TP HCM tiến hành xét xử sơ thẩm đối với cựu Phó Chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam (SN 1974) và Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, cựu giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP HCM), bị cáo buộc “Xâm phạm chỗ ở người khác”.

Ông Nam (đi trước) và ông Tùng kêu oan tại phiên xử sơ thâm.

Phường đã kết luận không được có người sinh sống tại nhà số 29 

Phần thủ tục, các LS đề nghị triệu tập thêm Trưởng CA phường Đa Kao, Phó CA Quận 1, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng… Còn bà Hoàng Thị Thu Thảo (được cho là bị hại) có đơn xin hoãn phiên tòa. Tuy nhiên cả hai đề nghị trên đều không được chấp nhận.

Theo cáo trạng, nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là của bà Hoàng Trọng Anh Chi. Năm 2017, bà Chi chuyển nhượng giấy tay cho bà Thảo giá 25 tỷ. Bà Thảo đặt cọc 7 tỷ. Bà Chi bàn giao căn nhà cho bà Thảo để tiếp tục thi công, hoàn thiện căn nhà.

Quá trình xây dựng, do xây dựng sai so với giấy phép nên bị xử phạt 2 lần 37 triệu đồng và cưỡng chế khắc phục hậu quả. Bà Thảo yêu cầu bà Chi trả lại cọc và chi phí phát sinh, nhưng bà Chi không đồng ý, nên kiện ra tòa đòi tiền cọc.

Khoảng 14h ngày 19/9/2019, bà Thảo không có ở công trình thì Tùng cùng một người tên Nguyễn Thị Hương Tâm (nhân viên công ty bảo vệ) và Thừa phát lại quận 1 đi vào nhà.

Cáo trạng cáo buộc Tùng, Tâm và sau đó là ông Nam đã bế các con và đuổi người nhà bà Thảo ra ngoài để chiếm giữ căn nhà nên cả ba “xâm phạm chỗ ở”. Do chưa tìm được Tâm nên xử lý sau.

Cả ông Nam và Tùng đều không đồng ý với quy kết của cáo trạng; khẳng định không phạm tội.

Tùng khai có hùn vốn với bà Chi (mỗi người 50%) mua đất số 29 để bà Chi đứng tên. Sau đó, khi đang xây căn nhà thì bà Chi có ký hợp đồng mua bán viết tay cho bà Thảo.

Giữa năm 2018, Tùng được bà Chi ủy quyền quản lý, ký kết các thủ tục để thực hiện sửa chữa cho đúng giấy phép và giải quyết các tranh chấp liên quan công trình 29.

“Sau khi tiếp quản công trình, bà Thảo đuổi nhà thầu đã ký hợp đồng với bà Chi và thuê một nhà thầu khác, tự ý thi công không đúng giấy phép. Bị phát hiện, lập biên bản xử lý, bà Thảo vẫn lén lút cho tiếp tục thi công. Thanh tra xây dựng đã 5 lần mời tôi đến lập biên bản vi phạm. Mỗi cơ quan chức năng lần đến, người được bà Thảo thuê thi công đi ra ngoài, rồi lại quay vào thi công tiếp. Một lần tôi dùng khóa cửa công trình lại nhưng hôm sau đã bị cắt khóa”, ông Tùng khai. “Tôi đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng yêu cầu bà Thảo trao trả công trình”.

Tháng 12/2018, UBND phường tổ chức cuộc họp có sự tham gia của bà Thảo. Khi được yêu cầu trao trả công trình để khắc phục hậu quả xây dựng sai phép, bà Thảo bỏ về. Tại buổi họp, phường kết luận không được phép bố trí người đến ăn ở, sinh sống tại số 29.

Bà Chi khai: “Cho đến nay, tôi vẫn là chủ sử dụng, sở hữu, đầu tư công trình 29. Chính quyền địa phương không cho người vào ở, cư trú. Tôi cũng chưa từng cho phép bằng văn bản hoặc bằng lời nói để bà Thảo vào ở trong công trình. Trước khi xảy ra vụ việc ngày 19/9/2019, tôi có nhiều đơn gửi đến chính quyền, tố bà Thảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Tùng cho rằng đã có màn kịch lợi dụng những đứa trẻ 

Theo bị cáo Tùng: “Cuối tháng 8/2019, có quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả nên tôi phải thực hiện. Khoảng 14h30 ngày 19/9/2019, tôi cùng Thừa phát lại quận 1, nhân viên Cty bảo vệ đến công trình 29. Cửa nhà mở, tôi vào thì thấy có bà Lụa (sau này mới biết tên) và 2 đứa trẻ. Tôi hỏi bà Lụa 2 đứa con là của ai và tại sao ở đây? Bà Lụa không trả lời mà dùng điện thoại quay phim. Tôi tiếp tục lên các tầng trên thì gặp một số khách thuê nhà. Tôi giải thích công trình này không đủ điều kiện để ở và sẽ đập để sửa chữa. Họ mới dọn đồ ra ngoài”.

Tùng khai, khoảng 16h, nhiều người tụ tập bên ngoài tự xưng “người nhà bà Thảo” la hét. Lúc này, bà Trần Thị Bích Sương (một người giúp việc khác của bà Thảo, sau này mới biết tên) bế thêm một cháu bé vào. “Đến 17h, tôi hỏi lại “cha mẹ các cháu bé là ai” nhưng bà Lụa và bà Sương không trả lời, nói sẽ ra về, để lại các cháu bé vì đã hết giờ trông. Bên ngoài nhiều người vẫn la hét “trả con cho tôi”.

“Tôi yêu cầu bà Sương, bà Lụa đi thì phải mang các cháu nhỏ theo nhưng hai bà không đồng ý. Tôi bế các cháu bé ra ngoài, thấy một phụ nữ lăn lộn, gào khóc nên hỏi phải “con bà phải không”. Người này không trả lời mà chỉ dùng điện thoại quay phim. Tôi hỏi công an tại đó thì họ nói không có trách nhiệm bế con cho ai cả. Họ đến đây để đảm bảo không xảy ra xô xát”.

“Cho đến hiện nay, tôi vẫn có quyền đối với công trình và có quyền yêu cầu những người ở trong công trình ra ngoài vì tôi là chủ đầu tư theo hợp đồng ủy quyền”.

Về cáo buộc đối với ông Nam, ông Tùng khai: “Tôi và ông Nam không bàn bạc, không phân công và tôi không lường trước sự việc có các cháu bé ở trong công trình nên không thể nói ông Nam là đồng phạm”.

Tùng khai rằng khoảng 13h40 có gọi cho ông Nam đến xem phòng. Sau khi bế cháu bé ra ngoài nhưng không ai nhận, Tùng quay vào nhà và nhờ ông Nam gọi giúp một chiếc taxi. Mục đích của việc đưa các cháu bé lên taxi, ông Tùng nói do không ai nhận, không ai bế, bản thân không biết bà Thảo ở đâu, mà chỉ biết bà Thảo có một cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi (quận 1); nên bế đến đó để đưa cho bà Thảo.

Ông Nam liên tục bị VKS ngắt lời

Khi được VKS xét hỏi, ông Nam nói: “Tôi gặp VKS lần đầu tiên, tôi xin khai và phải được quay phim nhưng VKS không chịu mà nói “nhận tội đi để giải quyết cho nhanh”. Trong khi đang trả lời câu hỏi, ông Nam bị VKS liên tục ngắt lời.

Ông Nam khai khi đến nơi, mọi việc đã xong, có công an, dân phòng, hai bên đứng cự cãi, xô đẩy trước cửa công trình. Ông Nam không vào bên trong công trình.

“Tôi đến nơi, đứng bên ngoài, có gặp Trưởng CAP Đa Kao. Người này nói “đây là việc dân sự, tôi đến đây để đảm bảo không xảy ra đánh nhau, anh yên tâm”. Tùng ở trong nhà gọi điện bảo gọi giúp xe chở 3 cháu bé đến cơ sở kinh doanh khác của bà Thảo chứ không là người ta bảo bắt cóc. Tôi gọi giúp chiếc taxi, sau đó gọi cho Tùng và một phụ nữ bế 2 cháu bé ra ngoài”.

“Tôi là người có liêm sỉ, mọi người xô xát, không ai bế đứa con nít. Còn người phụ nữ áo vàng (là bà Tâm đang bị truy nã) mang guốc cao, hai bên cứ xô xát, sợ nguy hiểm tôi mới bế. Người ta cứ la hét, xô đẩy nhưng không ai bế cháu bé”.

“Tôi không vào nhà, không bàn bạc, khi đến sự việc đã xong, có công an đến bảo vệ. Vậy tôi “xâm phạm chỗ ở” như thế nào?”, ông Nam nói.

Tại phiên tòa, HĐXX cho trình chiếu công khai đoạn video do Thừa phát lại quận 1 quay lại. Video cho thấy, ông Nam đứng bên ngoài, mở cửa taxi, Tùng và một phụ nữ áo vàng (xác định tên Tâm) bế 2 cháu bé lên xe nhưng bên ngoài có nhiều tiếng la hét nên hai người bế hai cháu bé ra ngoài đi bộ.

Video thể hiện, có khoảng 4 – 5 phụ nữ la hét, dùng tay đẩy Tùng và Tâm vào, không cho ra khỏi hẻm. Trong suốt gần 10 phút, dù ông Tùng và bà Tâm bế cháu bé, sau đó là ông Nam thì những người phụ nữ cũng chỉ xô đẩy, la hét chứ không bế cháu bé.

Phần tranh luận sẽ được tiếp tục vào hôm nay.

theo Bùi Yên – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan