Tăng cường tính tranh luận, tinh thần đổi mới sáng tạo của Quốc hội

Cập nhật: 12/05/2022 14:48

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng nay, 12/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (QH) (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tăng cường công khai về kỳ họp QH

Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng đoàn QH).

Hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp QH theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành, còn những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết; bảo đảm tính thống nhất trong quá trình thực hiện cũng như trong hệ thống pháp luật, tránh việc cùng một nội dung nhưng có nhiều văn bản cùng điều chỉnh.

Sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của QH, các cơ quan của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH tại kỳ họp QH bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp QH.

Trên cơ sở thực tiễn thực hiện và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, bổ sung Nội quy, UBTVQH đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015.

Trong đó, UBTVQH đề xuất sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp tại Điều 8 theo hướng quy định hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng sẽ công khai danh sách các cơ quan gửi chậm hoặc rút khỏi dự kiến chương trình kỳ họp.

Tăng cường công khai về kỳ họp QH theo hướng bổ sung việc phát thanh, truyền hình trực tiếp Lễ tuyên thệ, phiên thảo luận các nội dung về kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước để phù hợp với những đổi mới đã được triển khai về tăng cường công khai các phiên họp của QH; ấn hành và phát hành kỷ yếu kỳ họp QH dưới dạng điện tử để có thể đăng tải trên Cổng thông tin điện tử QH.

Bổ sung Điều 16 của dự thảo quy định về hình thức làm việc trực tuyến bên cạnh hình thức họp trực tiếp; đồng thời quy định UBTVQH quy định chi tiết về việc họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến tại kỳ họp…

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp QH.

Đồng thời cho rằng, việc ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của QH, tăng cường tính tranh luận, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu QH, các cơ quan của QH.

Các quy trình, thủ tục làm việc được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của QH tại kỳ họp; đưa hoạt động của QH ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.

Không rút ngắn thời gian phát biểu tối đa của đại biểu QH

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu QH tại phiên họp toàn thể của QH là không quá 7 phút. Đồng thời, trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận…

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp QH nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH theo hướng ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Về thời gian phát biểu của đại biểu, các đại biểu cho rằng, không nên rút ngắn thời gian phát biểu xuống còn 5 phút vì như thế là quá ngắn để đại biểu có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói.

Các ý kiến thống nhất giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu QH là không quá 7 phút nhằm tạo điều kiện cho đại biểu QH chủ động trong việc chuẩn bị nội dung, bảo đảm một khoảng thời gian nhất định để đại biểu có thể trình bày đầy đủ nội dung thảo luận của mình.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga, trước đây, thời gian phát biểu của đại biểu từng được quy định là 20 phút, hiện tại vẫn nên giữ 7 phút. Đại biểu nếu đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu sẽ gửi ý kiến cho Đoàn Thư ký tổng hợp.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nếu giảm thời gian phát biểu, đại biểu QH khó có thể diễn đạt hết ý của mình.

Cũng tán thành với quy định thời gian phát biểu tối đa của đại biểu QH là 7 phút, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của QH Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu QH để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.

“Tôi nghĩ nên có một quy định linh hoạt hơn trong những phiên có nhiều thời gian, có thể quy định một mốc đó như 10-15 phút cho các đại biểu là chuyên gia, những người am hiểu lĩnh vực đó để người ta nói cho hết ý”, ông Vinh đề xuất.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của QH tại kỳ họp; đưa hoạt động của QH ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.

Nhấn mạnh yêu cầu rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng của các kỳ họp QH, Chủ tịch QH cũng đề cập đến yêu cầu chuyển từ QH tham luận sang thảo luận, rồi tranh luận để đi đến cùng các vấn đề.

theo Hoàng Nam – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan