Tham nhũng làm dấy lên lo ngại mới về viện trợ cho Nam Sudan

Cập nhật: 09/04/2021 08:49

Ở Nam Sudan – một trong những nước thụ hưởng viện trợ nước ngoài đứng đầu thế giới – những bê bối thời gian qua và nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn là cản trở lớn để phục hồi đất nước sau đại dịch.

Nam Sudan phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm nội chiến khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác phải di cư. Ảnh: Andreea Campeanu / Al Jazeera

Những âm mưu trục lợi từ đại dịch

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người lo ngại Nam Sudan có thể là một trong những quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất – do nhiều năm xung đột đã làm kiệt quệ hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này và nguy cơ đói kém hiện hữu.

Trước các cảnh báo, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hướng tới quốc gia trẻ nhất thế giới này, chi hơn 100 triệu USD cho phản ứng với COVID-19, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho vay khoảng 200 triệu USD.

Cho tới nay, Nam Sudan không ghi nhận mối lo ngại lớn về dịch bệnh, chỉ với 113 người tử vong do COVID-19 (số liệu cập nhật ngày 8/4). Trong khi đó, các mô hình trục lợi quen thuộc đã xuất hiện ngay sau khi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được báo cáo.

Điều tra độc quyền kéo dài 8 tháng của Báo Al Jazeera, với bài viết đăng tải ngày 7/4 cho thấy, một thị trường “chợ đen” đã xuất hiện đối với các xét nghiệm COVID-19 được cho là miễn phí. Một hợp đồng bị thổi giá đã được trao cho một công ty để cải tạo một bệnh viện… rỗng không có bệnh nhân COVID-19 nào. Và, các nhà chức trách đã cho phép một cơ sở nhỏ trong nước sản xuất dung dịch rửa tay – đồng thời cấm nhập khẩu sản phẩm này khi mọi người đổ xô đi tìm nguồn cung cấp…

Dĩ nhiên, không chỉ riêng Nam Sudan bị ảnh hưởng bởi những âm mưu trục lợi bị cáo buộc có liên quan đến đại dịch. Tại Brazil, hơn 1.500 vụ án hình sự đã được mở ra do tham nhũng liên quan đến coronavirus, trong khi Mỹ và Anh cũng vướng vào các vụ bê bối liên quan đến quỹ và thiết bị trong COVID-19.

Nhưng ở Nam Sudan – một trong những nước thụ hưởng viện trợ nước ngoài hàng đầu thế giới – các chương trình được lập ra trong đại dịch hầu hết theo một mô hình quen thuộc: Các nhà tài trợ ứng phó với khủng hoảng và các nhóm viện trợ gánh vác những nhu cầu nhân đạo của đất nước, trong khi Nam Sudan chi tiêu rất ít cho người dân của mình – theo điều tra của nhóm phóng viên Al Jazeera khi tiến hành phỏng vấn các công dân, nhà phân tích, cựu nhân viên ngoại giao và nhân viên cứu trợ.

Cũng theo Al Jazeera, sự mất cân bằng nêu trên đã dấy lên những lo ngại và các cuộc thảo luận mới về cách thức hiệu quả hơn để cung cấp viện trợ ở Nam Sudan.

“Sự giàu có của đất nước này – từ dầu mỏ và những thứ khác – đã bỏ qua người dân, bòn rút trong bí mật mà không có trách nhiệm giải trình công khai về cách thức chi tiêu”, David Shearer – người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) – cho biết trong bài phát biểu lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 3 vừa qua.

Ông David Shearer cũng lưu ý, cộng đồng quốc tế đã không đặt câu hỏi về vai trò của mình trong việc Nam Sudan tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

“Chủ quyền thực sự có nghĩa là trách nhiệm – có trách nhiệm – quan tâm thực sự, một cách hữu hình và có thể chứng minh được, cho tất cả 12 triệu công dân của quốc gia”, ông Shearer nói.

Trong một cảnh báo được đưa ra vào tháng 3/2021, Liên hợp quốc lưu ý, nhiều khu vực của Nam Sudan đang đối mặt với nạn đói, với khoảng 7,2 triệu người sẽ bị thiếu đói trong những tháng tới.

 Một nhà vận động đưa ra thông báo về sức khỏe cộng đồng ở quận Lologo, Thủ đô Juba. Nam Sudan cho đến nay đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm coronavirus. Ảnh: Alex McBride / Al Jazeera

Căng thẳng viện trợ

Vào tháng 1/2021, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã phát hành một báo cáo đáng lo ngại, trong đó trình bày chi tiết tổng quan về tình hình nhân đạo ảm đạm của Nam Sudan và lưu ý bạo lực leo thang đối với nhân viên cứu trợ.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, những vướng mắc về quy định và sự quan liêu cũng đã dẫn đến việc “chuyển hướng các nguồn lực mà lẽ ra sẽ được sử dụng cho các nguồn cung cấp cứu sinh”.

Nam Sudan đã phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng khi đại dịch ập đến.

Tuyên bố về một Chính phủ chuyển tiếp được chờ đợi từ lâu vào tháng 2/2020 đã nhanh chóng bị lu mờ bởi các cuộc giao tranh cấp địa phương khốc liệt cũng như tình trạng lũ lụt.

Trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở Nam Sudan xuất hiện vào tháng 4/2020 – cách đây 1 năm.

Cùng tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được báo cáo về những cáo buộc rằng, một số quan chức Bộ Y tế Nam Sudan đã tính phí cho các xét nghiệm COVID-19 khi chúng được cho là miễn phí, theo một email của WHO mà Al Jazeera được chia sẻ.

Các xét nghiệm được chào bán với giá 50 USD, trong khi các chứng nhận xét nghiệm cần thiết phục vụ cho việc đi lại trên đường bộ và đường hàng không được bán với giá 400 USD – một nhân viên Liên hợp quốc cho biết trong một tin nhắn văn bản gửi cho các nhân viên cứu trợ khác vào tháng 7/2020 và phóng viên Al Jazeera thu thập được.

Tuy nhiên, phát biểu thay mặt Chính phủ, các quan chức Chính phủ liên quan đến ứng phó với đại dịch coronavirus là Angelo Goup Thon và Mathew Tut Kol đã phủ nhận các cáo buộc.

Bộ Y tế Nam Sudan cũng đã lựa chọn ít nhất 500 nhân viên chưa được đào tạo phần lớn từ Bộ để làm công việc ứng phó đại dịch và được trả từ 450 – 1.500 USD/tháng từ các quỹ tài trợ – thông tin từ 3 quan chức nhân đạo cấp cao tham gia vào cuộc phản ứng đại dịch nói với các phóng viên.

Mặc dù việc thuê cán bộ nhân viên chưa qua đào tạo trong các ứng phó khẩn cấp không phải là hiếm – điều này cũng xảy ra trong ứng phó với đại dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo – với nhiều người khi đó được đề xuất trả lương cao gấp 3 lần những công chức lành nghề thường tìm được và hậu quả là những năm gần đây, Chính phủ đã thất bại trong việc trả lương hàng tháng cho nhân viên y tế.

Trong khi đó, các nhà tài trợ đã cung cấp phần lớn kinh phí chăm sóc sức khỏe của Nam Sudan nhiều năm qua.

Trong ngân sách 2019 – 2020, Chính phủ Nam Sudan đã phân bổ gần 14 triệu USD cho Bộ Y tế, nhưng một báo cáo riêng của Chính phủ nêu chi tiết các khoản chi tiêu chính thức cho thấy, chỉ 3 triệu USD trong số đó đã được nhận trong 9 tháng của năm tài chính.

 Nhân viên bệnh viện khiêng thi thể một người tại bệnh viện Juba. Mặc dù những dự đoán ban đầu là thảm khốc, nhưng theo thống kê chính thức, hiện Nam Sudan ghi nhận 113 người chết vì coronavirus. Ảnh: Alex McBride/ Al Jazeera

Bệnh viện không bệnh nhân

Sau khi đại dịch xảy ra, Nam Sudan đã phân bổ 5,48 triệu USD để ứng phó từ ngày 1/4 đến ngày 30/9/2020, theo các tài liệu được một quan chức Chính phủ yêu cầu giấu tên chia sẻ với phóng viên Al Jazeera.

Trong đó, 3,8 triệu USD đã được chi tại hợp đồng với AFK Concept Ltd – một công ty Nam Sudan có các cổ đông Liban và Nam Sudan.

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho đại dịch, công ty có ý định cải tạo Trung tâm Bệnh truyền nhiễm của Tiến sĩ John Garang ở Juba.

Một phần của số tiền đó bao gồm 22.500 USD để cải tạo cảnh quan và 168.000 USD để sơn – mức chi phí gần gấp đôi so với những công ty khác.

Cơ sở khoảng 250 giường được coi là bệnh viện chính cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, cho tới tháng 4/2021, nó vẫn được sử dụng phần lớn để làm kho lưu trữ. Nhân viên bệnh viện nói với các phóng viên, mặc dù đã được cải tạo nhưng công trình này không đáp ứng được nhu cầu của một trung tâm bệnh truyền nhiễm, đơn cử như: quá ít nhà vệ sinh và công trình không đủ để cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh.

Bộ Y tế cho rằng, số tiền được phân bổ cho việc cải tạo là “quá mức” và cho biết vào tháng 12/2020 rằng, “cho đến nay chưa có ai được trả bất kỳ khoản nào”.

Tuy nhiên, hợp đồng Chính phủ và chi tiết thanh toán – được chia sẻ với các phóng viên bởi một quan chức Chính phủ yêu cầu giấu tên – lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Một tài liệu cho hay, 1,4 triệu USD đã được thanh toán như khoản đầu tiên cho thiết bị và vật tư, trong khi một khoản 2,4 triệu USD được giải ngân trực tiếp “thông qua séc do Bộ Tài chính và Kế hoạch phát hành dưới tên AFK CONCEPT LTD”.

Khoản tiền 3,8 triệu USD trao cho AFK cũng đã được ghi nhận trong một bức thư riêng từ Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế vào tháng 4 này, phóng viên Al Jazeera thu thập được từ nguồn tin xin được giấu tên.

Các cáo buộc trục lợi mới đây nhất được đưa ra khi Nam Sudan nhận được khoảng 132.000 liều vắc xin AstraZeneca COVID-19 thông qua dự án COVAX do Liên minh Vaccine GAVI, WHO và Liên minh những đổi mới trong việc chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo.

Nhận định “tiến trình hòa bình vẫn còn mong manh và nhiều việc phải làm”, trong cuộc họp báo ngày 6/4, Trưởng Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan David Shearer đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Sudan cần tăng tốc thực thi hiến pháp mới, thành lập quân đội quốc gia và tiến hành cải cách kinh tế.

theo Hoài Phương – Báo Thanh tra

https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/ho-so-tu-lieu/tham-nhung-lam-day-len-lo-ngai-moi-ve-vien-tro-cho-nam-sudan-180105.html

Tin liên quan