Thanh tra và xử lý vi phạm về PCTN khu vực ngoài Nhà nước

Cập nhật: 05/11/2020 08:55

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội thảo đề tài khoa học “Thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước” do bà Nguyễn Hồng Thúy, Trường Cán bộ thanh tra làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Theo chủ nhiệm đề tài, việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng đối với cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Ở Việt Nam trước đây, do nhiều yếu tố mang tính lịch sử, nên quan niệm cũ vẫn coi hành vi tham nhũng chỉ xảy ra trong khu vực công, chủ thể tham nhũng chỉ có thể là các cán bộ, công chức Nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nguy cơ tham nhũng xảy ra trong khu vực kinh tế tư nhân là hoàn toàn có thể.

“Để đảm bảo thực hiện các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, công tác thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN giữ một vai trò rất quan trọng. Việc cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp thực hiện thanh tra trách nhiệm và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước có tác dụng rất lớn trong việc duy trì nghiêm ngặt các kỷ luật, chuẩn mực, tiêu chuẩn trong minh bạch, công khai và PCTN tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước”, bà Thúy nhấn mạnh.

Đề tài có kết cấu làm 3 Chương, Chương I: Một số vấn đề chung về thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Chương II: Thực trạng quy định và thực hiện thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Chương III: Định hướng, giải pháp tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Góp ý tại hội thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, ban chủ nhiệm (BCN) cần bổ sung mục tiêu, phạm vi của đề tài. Theo ông Hùng, mục tiêu của đề tài cần đưa ra hai mục tiêu sau: Hoàn thiện pháp luật và giải pháp về thanh tra và xử lý PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Sau đó, đưa ra giải pháp PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (giải pháp về thanh tra riêng, giải pháp về phương pháp xử lý riêng).

Ở Chương III, phần nội dung định hướng hoàn thiện pháp luật về thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nên chuyển lên Chương I. Phần giải pháp nên tách ra theo nhóm, ví dụ đưa theo nhóm: Giải pháp hoàn thiện pháp luật; các giải pháp về thanh tra, về xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước…

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, BCN cần bổ sung thêm một số nội dung để đề tài được hoàn thiện. Cụ thể, ở Chương I, cần khái quát được đặc điểm, quan điểm, xu hướng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; phân tích dưới góc độ “lý sự” về trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa của doanh nghiệp tổ chức ngoài Nhà nước trong việc thực hiện PCTN ngoài Nhà nước.

Ở Chương II, có thể nêu rõ nguy cơ, thuận lợi, khó khăn trong việc PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Về thực tiễn trong các phần có thể lấy một loạt ví dụ trong thời gian qua đã xảy ra việc không công khai, minh bạch của doanh nghiệp hay những vụ bất minh trong hoạt động từ thiện nổi lên trong thời gian qua… Ở Chương III nên viết quan điểm, định hướng và giải pháp, không chỉ có giải pháp về hoàn thiện pháp luật mà còn quan điểm về thanh tra và xử lý vi phạm tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Về vai trò của thanh tra trách nhiệm, nên viết theo hướng “mục đích”. Bên cạnh đó, nên có giải pháp về tổ chức thực hiện, quyết định thông tin đầu vào và tăng cường thanh tra trách nhiệm.

Cũng tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long khẳng định, đây là một đề tài hay và khó, khó ở chỗ các vi phạm pháp luật về vấn đề này không nhiều, thực tiễn cũng không có. Vì vậy, BCN có thể xem xét, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện công trình nghiên cứu. Theo đó, nội dung liên quan tới quan niệm về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, BCN cần tiếp cận rõ hơn. Ở Chương I, BCN đã đưa ra 6 vai trò, có vai trò rất tốt, nhưng có những vai trò hơi xa xôi, chưa trực tiếp, sát vào vai trò thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Liên quan tới Chương II, về phần pháp luật, BCN có thể viết rộng hơn trên cơ sở so sánh với pháp luật năm 2005, đưa thêm pháp luật có liên quan về công khai, minh bạch, trách nhiệm của doanh nghiệp, phân tích những nội dung đặc thù (quản trị doanh nghiệp); đánh giá trực tiếp về các quy định, trình tự thủ tục trong thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, ở Chương III, các nội dung trong định hướng cần viết sát hơn và được cụ thể hóa trong phần giải pháp, đồng thời, cần đồng bộ, tương thích với Luật PCTN và pháp luật của doanh nghiệp….

 

theo Thái Hải – Báo Thanh tra

Tin liên quan