Thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp

Cập nhật: 10/04/2021 09:42

Phần lớn vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng diễn ra trong thời gian dài nên các đối tượng tham nhũng đã tẩu tán hoặc sử dụng tài sản chiếm đoạt vào nhiều mục đích khác nhau. Đến khi bị phát hiện, không còn tài sản để thu hồi!

Hồi năm 2019, do có nhiều sai phạm trong quá trình lãnh đạo, điều hành công tác nên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định bị giáng chức. Ngoài ra, 1 Phó Cục trưởng không được bổ nhiệm lại. Trong ảnh: Cục Thuế tỉnh Bình Định. Ảnh: Hữu Toàn/http://can

Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

 Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 (từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2019) do lãnh đạo tỉnh Bình Định ban hành ngày 2/4/2021 cho biết, những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã chú trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, MTTQ, đoàn thể các cấp đối với công tác PCTN, lãng phí trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong chi tiêu, mua sắm công, tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài…

Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn giám sát tình hình thực thi pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên một số lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện thường xuyên việc thẩm tra các báo cáo PCTN định kỳ của UBND tỉnh trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh.

MTTQ và tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và Thông tri số 17/TTr/MTTW ngày 21/4/2006 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc MTTQ các cấp tham gia thực hiện Luật PCTN; chỉ đạo tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện pháp luật về PCTN và việc phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân và giám sát trực tiếp của nhân dân, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp cơ sở.

Qua thực hiện đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót trong triển khai thực hiện, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác PCTN, lãng phí của đối tượng được giám sát.

Vụ Huỳnh Chí Trung, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước tham ô tài sản trên 19 tỷ đồng, sử dụng để cá độ bóng đá, tiêu xài cá nhân đến khi bị phát hiện, xử lý không còn tài sản để thu hồi.

Vụ Hồ Thị Thu Hương, nhân viên thủ kho tiền Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Phú Tài lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và đầu tư chứng khoán phần lớn số tiền trên, đến khi bị phát hiện hầu như không còn tài sản để thu hồi…

Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng về phòng, chống tham nhũng 282 cơ quan, tổ chức

Hàng năm, UBND tỉnh và các ngành, địa phương trong tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới.

Hiệu quả kiểm tra, thanh tra từng bước được nâng lên, nhất là từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Trong kỳ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về PCTN tại 282 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, thanh tra.

Thu hồi trên 8 tỷ đồng tham nhũng

 Qua công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý theo thẩm quyền 03 vụ việc có liên quan đến hành vi tham nhũng, xử lý thu hồi về cho Nhà nước và trả lại cho công dân trên 116 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100%.

Qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo của công dân phát hiện các vụ việc có liên quan đến hành vi tham nhũng, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các cấp để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, bước đầu thanh tra các cấp, các ngành đã kiến nghị xử lý thu hồi về cho Nhà nước 4.001/22.978 triệu đồng, đạt tỷ lệ 17,46%; số tiền còn lại được các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật.

Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, với tổng giá trị tài sản bị thiệt hại trên 83 tỷ đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý thu hồi được trên 8,025 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,67%. Trong đó, cơ quan điều tra công an cấp tỉnh và huyện đã xử lý thu hồi trên 6,3 tỷ đồng. Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện đã xử lý thu hồi trên 1,725 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Định, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực cố gắng và áp dụng thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết theo quy định của pháp luật, nhưng việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và đạt tỷ lệ thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các vụ việc, vụ án có liên quan đến hành vi tham nhũng diễn ra trong một thời gian dài nên các đối tượng tham nhũng đã tẩu tán hoặc sử dụng tài sản chiếm đoạt vào nhiều mục đích khác nhau (đánh bạc, kinh doanh chứng khoán, tiêu xài cá nhân…) đến khi bị phát hiện, không còn tài sản để thu hồi, nhất là đối với các trường hợp tham ô, chiếm đoạt số tiền rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Điển hình: Vụ Huỳnh Chí Trung, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước tham ô tài sản trên 19 tỷ đồng, sử dụng để cá độ bóng đá, tiêu xài cá nhân đến khi bị phát hiện, xử lý không còn tài sản để thu hồi. Vụ Hồ Thị Thu Hương, nhân viên thủ kho tiền Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Phú Tài lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và đầu tư chứng khoán phần lớn số tiền trên, đến khi bị phát hiện hầu như không còn tài sản để thu hồi…

theo Trịnh Huyền – Báo thanh tra

Tin liên quan