Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020 tiếp tục có xu hướng giảm

Cập nhật: 07/10/2020 08:21

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2020, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Doãn Tuấn

Chiều ngày 6/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 30 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Tại đây, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2020, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản.

Từ đó, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, cũng như góp phần phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phục hồi nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều tiến bộ, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng truyền hình trực tuyến, nhất là trong thời gian cao điểm của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội.

“Việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp nhìn chung có chuyển biến tích cực”, Phó Tổng Thanh tra cho biết.

Theo báo cáo, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4%), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%).

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,5%. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng; 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhận định, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước.

Đáng chú ý, năm 2020 dù dự báo khiếu nại, tố có tăng nhưng thực tế số lượng các vụ việc thuộc thẩm quyền đều giảm (khiếu nại giảm 15,5%; tố cáo giảm 0,8%), đây là năm thứ 2 liên tiếp sau năm 2019 giảm tỷ lệ số vụ việc này.

Theo các đại biểu, đây là yếu tố tích cực, cần được phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm 2020 đến nay diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, để từ đó rút ra kinh nghiệm trong quản lý, điều hành cho các năm tiếp theo.

Một số ý kiến cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đi sâu phân tích làm rõ sự khác biệt về nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tình hình khiếu nại, tố cáo của năm 2020 so với các năm trước. Phải chăng là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội? Hay là do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước?

Cũng trong ngày 6/10, Ủy ban Pháp luật thẩm tra đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII đối với phần thuộc trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật.

theo Hương Giang – Báo Thanh tra

Tin liên quan