Tội ‘Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán’

Cập nhật: 30/09/2022 08:38

Tội ‘Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán’ được quy định tại Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tội phạm này được quy định tại Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 210. Tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”:

1. Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin này, thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 1.500.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán” là tội phạm đã được quy định tại Điều 181b, Bộ luật Hình sự năm 1999. So với Điều 181b, Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung sau:

– Thay từ “đó” bằng từ “này” ở khoản 1 của điều luật. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật sử dụng từ “này” đúng ngữ pháp hơn từ “đó”, vì từ “đó” có nhiều cách hiểu khác nhau, xét về khía cạnh ngữ pháp thì từ “đó” là trạng từ thường dùng ở cuối câu hoặc cuối phân câu; biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất xác định, đích xác của điều được nói đến, còn từ “này” mà nhà làm luật dùng ở đây là trợ từ, biểu thị ý nhấn mạnh tính cụ thể và xác định của những sự vật, sự việc, tính chất nào đó đang được liệt kê ra. Việc nhà làm luật dùng từ “này” thay cho từ “đó” là phù hợp và chính xác hơn.

– Thay tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 181b Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng tình tiết “gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng trở lên được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 210 Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Thay tình tiết “thu lợi bất chính lớn” được quy định khoản 1 Điều 181b Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng tình tiết “thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” quy định tại khoản 1; thay tình tiết “thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 181b, Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng tình tiết “thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Bổ sung tình tiết là dấu hiệu định tội “thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng” quy định tại khoản 1, Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Về hình phạt, bãi bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ và tăng hình phạt tiền quy định tại khoản 1 của điều luật lên từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; đồng thời bổ sung hình phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng quy định tại khoản 2 của điều luật.

– Điều 210, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm này và được quy định tại khoản 4 của điều luật.

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Đối với người phạm tội

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này (không có Điều 210).

Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này phải là những người tham gia vào hoạt động chứng khoán, thường là người làm việc trong các công ty chứng khoán mới có thể thực hiện hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, còn những người khác có thể bằng nhiều thủ đoạn để biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Cũng như đối với các tội phạm khác mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại phải là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến hoạt động chứng khoán, mà cụ thể là xâm phạm đến thông tin nội bộ của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là thông tin nội bộ về chứng khoán.

Thông tin nội bộ là thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó.

Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng Việt Nam trở lên.

Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Thông tin nội bộ là sự thật về các kế hoạch hoặc tài chính của một công ty chưa được tiết lộ cho các cổ đông và điều đó có thể mang lại lợi thế cho những người sở hữu nó. Mua hoặc bán cổ phiếu dựa trên thông tin nội bộ không chỉ gây thiệt hại cho công ty mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc điểm của thông tin nội bộ là chỉ có một số người trong công ty biết như: thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc của công ty đại chúng; thành viên ban đại diện quỹ đại chúng; cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; người kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; người hành nghề chứng khoán của công ty; tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với công ty đại chúng, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó hoặc người khác có thẩm quyền tiếp cận được thông tin nội bộ trong công ty đại chúng, quỹ đại chúng.

Thông tin nội bộ có thể là một thương vụ hợp nhất đang chờ xử lý, một đợt thu hồi sản phẩm, một dự án có lợi nhuận thấp hoặc sự thất bại của một dự án lớn, thậm chí nó có thể là một vụ bê bối tài chính sắp nổ ra trong quan điểm của công chúng… Những người trong công ty biết được thông tin nội bộ mà tiết lộ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu của công ty.

Những người biết những thông tin nội bộ không chỉ phải giữ bí mật mà còn không được sử dụng những thông tin đó để mua hoặc bán cổ phiếu trong công ty, hoặc chuyển thông tin cho người khác.

Ở các nước phát triển, việc quản lý thông tin nội bộ rất chặt chẽ, nếu ai sử dụng thông tin nội bộ để đặt giao dịch hoặc khuyên bên thứ ba đặt giao dịch dựa trên thông tin nội bộ đó, có thể bị kết tội “Giao dịch nội gián”. Ví dụ, tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) quy định giám đốc điều hành, giám đốc và nhân viên của mình phải tuân theo các quy định được mã hóa trong Đạo luật Giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên ở Mỹ, việc truy cứu hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán là hành vi phạm tội “Lừa đảo” chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán” như ở Việt Nam. Ví dụ: Bà trùm kinh doanh và truyền thông Martha Stewart đã bị truy tố năm 2003 về gian lận chứng khoán sau khi giao dịch dựa trên thông tin nội bộ để tránh thua lỗ. Martha Stewart bị phạt giam 05 tháng và bị phạt 30.000 USD(1).

Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh; các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác.

Đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán(2).

Hiện nay, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc: tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân; công bằng, công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tự chịu trách nhiệm về rủi ro(3).

– Thông tin là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình đầu tư. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, nguồn thông tin dành cho các nhà đầu tư là vô cùng rộng mở. Trước khi bắt đầu, các nhà đầu tư nên cập nhật các nguồn thông tin chính xác, đa chiều và chuyên sâu từ kinh nghiệm của những người đi trước hay từ các công ty về các thông tin tài chính quan trọng.

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc các hành vi như: Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ cho người khác hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ của công ty mình.

Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán là việc phân tích, tổng hợp các dữ liệu, tài liệu đã biết để mua hoặc bán chứng khoán nhằm thu lời.

Tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ cho người khác mua bán chứng khoán là hành vi nói, giới thiệu, cho người khác ghi chép, sao chụp… các thông tin nội bộ hoặc không thực hiện các quy định về quản lý, bảo quản cất giữ… tài liệu về thông tin nội bộ để người khác biết các nội dung về thông tin nội bộ.

Tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán là việc dùng lời nói khuyên bảo, thuyết phục người khác để họ mua bán chứng khoán.

Mua bán chứng khoán là hành vi giao dịch bằng lệnh giao dịch chứng khoán gồm: lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO); lệnh giới hạn (LO); lệnh thị trường trên sàn HSX (MP); lệnh thị trường trên sàn HNX; lệnh điều kiện (lệnh chờ); lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC); lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO). Ví dụ: Lệnh giới hạn (LO) là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ. Hành vi mua bán chứng khoán nhất thiết phải bằng lệnh, còn đặt lệnh nào là tùy thuộc vào nhà đầu tư, chứ không bắt buộc người mua, bán chứng khoán phải đặt hết các loại lệnh; mỗi loại lệnh có quy định riêng để người mua, bán chứng khoán lựa chọn sao cho có lợi.

Điều luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau, nhưng đều là hành vi “sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”, vì vậy, khi xác định tội danh của người phạm tội cần chú ý:

– Nếu người phạm tội thực hiện hành vi nào thì xác định theo hành vi đó. Ví dụ: Người phạm tội chỉ tiết lộ thông tin nội bộ cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông nội bộ của công ty, thì chỉ xác định hành vi của người phạm tội là hành vi tiết lộ thông tin nội bộ cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông nội bộ của công ty, nhưng tội danh vẫn là tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”.

– Nếu người phạm tội thực hiện tất cả các hành vi quy định tại khoản 1 của điều luật thì khi xác định các hành vi phạm tội thay từ “hoặc” bằng kết từ “và”, vì nếu để từ “hoặc” thì cũng đồng nghĩa không biết người phạm tội thực hiện hành vi nào.

Hậu quả

Có thể nói, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Là dấu hiệu bắt buộc nếu chưa thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng, thì phải gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng thì hành vi mới cấu thành tội phạm.

Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng, mặc dù chưa gây ra hậu quả cho nhà đầu tư, thì vẫn cấu thành tội phạm.

Nếu hành vi của người phạm tội chưa cấu thành tội phạm thì có thể chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi và hậu quả thì nhà làm luật còn quy định các dấu hiệu khách quan khác, mà nếu thiếu nó thì vẫn chưa cấu thành tội phạm như: thông tin nội bộ và phải có việc mua bán chứng khoán.

Nếu các thông tin nội bộ không liên quan đến hoạt động chứng khoán như: biên chế của công ty, lý lịch của cán bộ trong công ty… cũng là những thông tin được giữ bí mật, nhưng các thông tin này không liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng của công ty, thì không thuộc trường hợp điều chỉnh của tội phạm này, mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự hoặc tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”; tội “Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác” quy định tại Điều 361, Bộ luật Hình sự.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là do cố ý, mặc dù điều luật chỉ quy định “biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố”, nhưng để biết được thông tin nội bộ, người phạm tội có thể tự mình hoặc thông qua người khác để biết, thậm chí “mua thông tin” liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố để mua bán chứng khoán.

Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, bởi vì một người sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ cho người khác hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán không bao giờ không nhằm một mục đích nhất định. Thông thường, người phạm tội chủ yếu nhằm mục đích kiếm được lợi nhuận. Chính vì vậy, nhà làm luật quy định tình tiết thu lợi bất chính là dấu hiệu định tội. Tuy nhiên, ngoài thu lợi bất chính, người phạm tội còn có mục đích khác, nên nhà làm luật quy định tình tiết “hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư” là dấu hiệu định tội, nếu người phạm tội chưa thu lợi bất chính.

Người phạm tội có thể vì động cơ khác nhau như: Vì nể nang, vì mối quan hệ lệ thuộc, nhưng chủ yếu là vì động cơ vụ lợi.

(1) Theo Investopedia.

(2) Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019.

(3) Điều 5 Luật Chứng khoán năm 2019.

theo Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Tạp chí Luật sư VN

https://lsvn.vn/toi-su-dung-thong-tin-noi-bo-de-mua-ban-chung-khoan1664478403.html

Tin liên quan