Vụ tranh chấp đất tại Long Biên: Bị đơn đề nghị kháng nghị do thu thập được bản chính “Giấy nhượng đất”

Cập nhật: 17/08/2021 07:34

Trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, do bị đơn không xuất trình được bản gốc giấy mua đất nên Tòa án không có cơ sở xem xét hoặc giám định chữ ký của bên mua, bên bán. Đến nay, khi đã thu thập được bản chính của giấy mua đất trên, bị đơn đã có đơn đề nghị kháng nghị hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để đánh giá lại tính xác thực của việc mua bán đất diễn ra cách đây gần 30 năm.

Thửa đất có tranh chấp.

Không giám định được chữ ký do tài liệu phô tô

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Long Biên và bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, nguyên đơn – cụ Nguyễn Thị An (SN 1929, trú tại tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) có đơn khởi kiện chị Phạm Thị Thu Nga (SN 1971, cùng trú tại tổ 5, phường Thạch Bàn) để đòi lại thửa đất số 254 và 255 (rộng hơn 1100 m2) tại tờ bản đồ số 21 phường Thạch Bàn do đây là đất “cho mượn”.

Theo cụ An thì năm 1993, cụ đã được Hợp tác xã (HTX) Thạch Bàn thanh lý diện tích đất (ao) trên với số tiền 1,3 triệu đồng. Tháng 9/1993, cụ đã cho chị Nga (cháu ngoại) mượn một nửa diện tích ao trên để canh tác nhưng đất thì cụ vẫn đứng tên. Trong quá trình sử dụng đất, chị Nga đã lấp ½ ao và xây nhà trên đó. Cụ An lấp ½ ao còn lại. Nhưng sau đó, chị Nga đã chiếm toàn bộ đất và xây dựng nhà tạm trên đó.

Cho rằng chị Nga có công sức tôn tạo, duy trì khối tài sản nên cụ An đã đề nghị Tòa giao phần đất 446,7m2 cho chị Nga quản lý sử dụng (phần có căn nhà 3 tầng và nhà cấp 4). Diện tích đất còn lại phải trả lại cho Cụ.

Trong khi đó, bị đơn – chị Nga không đồng ý với yêu cầu trên vì cho rằng mình đã “mua ao” của nguyên đơn chứ không phải “mượn đất”. Hai bên lập văn bản nhượng đất năm 1993, có chữ ký của các bên cũng như chữ ký của các con cụ An (trong đó có mẹ chị Nga) có ghi rõ “nhất trí quyền sở hữu của 02 ao trên thuộc về tôi – Phạm Thị Thu Nga kể từ ngày 10/10/1993”. Còn phần số thửa và tờ bản đồ trong giấy này thì bỏ trống vì đến năm 1998 mới biết cụ thể.

Tuy nhiên, vào thời điểm xét xử sơ thẩm, chị Nga không thể cung cấp được bản chính của Giấy chuyển nhượng đất trên do đã dùng để cầm cố vay tiền của bà T. Vì vậy, Tòa sơ thẩm đã không có sơ sở xem xét về tài liệu trên, đồng thời tuyên buộc chị Nga phải trả hơn 686m2 đất cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Nga tiếp tục đề nghị Tòa triệu tập bà T (người giữ bản chính giấy chuyển nhượng đất) để tiến hành giám định chữ ký, chữ viết trong giấy tờ mua bán đất giữa chị và nguyên đơn. Từ đó xác định sự thật về việc mua bán đất năm 1993.

Về yêu cầu trên, HĐXX cho rằng, Tòa đã triệu tập bà T và có văn bản yêu cầu giao nộp tài liệu chứng cứ nhưng bà T trình bày “không nhớ đã để bản gốc “Giấy nhượng quyền sở hữu đất” ở đâu nên không thể cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu để thực hiện giám định.

Từ lý do trên, tại bản án phúc thẩm ngày 11/1/2019. TAND TP Hà Nội cho rằng, “không có căn cứ để xác định có việc mua bán chuyển nhượng hai thửa đất 254, 255 tờ bản đồ số 21, tổ 5 phường Thạch Bàn, giữa cụ An và chị Nga là có hay không”. Từ đó, Tòa cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị đơn, tuyên bị đơn phải trả hơn 686m2 đất cho nguyên đơn

Án có hiệu lực mới thu thập được bản chính giấy mua đất

Sau khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra ít lâu, chị Nga mới nhận lại được từ bà T bản gốc giấy tờ chuyển nhượng đất năm 1993 với cụ An (có dấu đỏ của UBND xã Thạch Bàn xác nhận năm 1998) cùng bản gốc Phiếu thu tiền của HTX Thạch Bàn khi thanh lý đất ao cho cụ An. Chính vì vậy, trong hơn 1 năm qua, chị Nga đã có nhiều đơn khiếu nại gửi TANDTC đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án do có chứng cứ quan trọng chứng minh việc mua bán đất chứ không phải “mượn đất” như quan điểm của Tòa cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm.

Tuy nhiên, ngày 21/09/2020, TANDTC đã ra thông báo “không có có sở kháng nghị” vì “không có cơ sở để xác định việc giao dịch chuyển nhượng đất giữa cụ An và chị Nga”

Thất vọng với nội dung trả lời trên, chị Nga cho biết, dường như TANDTC vẫn “lờ” đi chứng cứ mới mà chị cung cấp. Khi không có bản gốc thì Tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều lấy lo do này để cho rằng “không có cơ sở để giám định”. Nay, khi bị đơn đã xuất trình được giấy tờ gốc, tại sao TAND Tối cao không xem xét để hủy án và yêu cầu giám định chữ ký của hai bên mua bán và những người làm chứng để đánh giá về quan hệ mua bán này?

Nhận định về tài liệu bị đơn mới thu thập và cung cấp cho TANDTC như trên, Luật sư Nguyễn Quý Long (Giám đốc Công ty Luật Thiên Hồng Đức) cho rằng, tại bản án phúc thẩm, TAND TP Hà Nội chỉ nhận định rằng, “cho đến phiên toà phúc thẩm hôm nay cũng không có căn để cứ xác định có việc mua bán chuyển nhượng hai thửa đất 254, 255 tờ bản đồ số 21 giữa cụ An và chị Nga là có hay không?” chứ chưa hề có phán quyết hủy bỏ hay bác bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất giữa hai người này.

Nay, chị Nga cung cấp được hợp đồng chuyển nhượng đất thì cần coi đây là chứng cứ quan trọng để thay đổi bản chất vụ án, thay đổi về nhận định “có hay không” chuyện mua, bán đất giữa các đương sự.

Còn việc chị Nga được giao “Phiếu thu tiền” của HTX Nông nghiệp Thạch Bàn năm 1993 (người nộp tiền là cụ An) cũng là tình tiết quan trọng để đánh giá nhằm xác định có hay không việc mua bán đất vì thông thường, bên bán đất sẽ giao toàn bộ giấy tờ liên quan cho bên mua.

Vì vậy, Luật sư Long cho rằng, cần phải coi 2 tài liệu gốc nêu trên là chứng cứ, căn cứ mới để kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm.

“Trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì bản gốc của “Phiếu thu tiền” không hề có trong hồ sơ vụ án, không được xuất trình cho Tòa thì không hiểu vì sao HĐXX vẫn cho rằng nguyên đơn đã được HTX Thạch Bàn thanh lý ao hoặc được hợp thức hóa quyền sử dụng đất? Tại sao HĐXX không yêu cầu nguyên đơn chứng minh lời khai của mình về việc được HTX Thạch Bàn Thanh lý đất?” – LS Long đặt nghi vấn.

theo K. Nguyên – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan