Vươn tới những giá trị cao hơn về chất trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thanh Hóa, hướng tới những miền quê đáng sống

Cập nhật: 26/12/2022 06:37

“Xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình thường xuyên, liên tục”, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, là phương châm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, là định hướng để các địa phương hướng đến những giá trị cao hơn về chất cho NTM, đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn

Xây dựng NTM kiểu mẫu tạo nên diện mạo vùng tỉnh thanh sáng-xanh-sạch-đẹp

 * Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, để xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh trở thành nơi đáng sống

Chương trình xây dựng NTM đã đi qua chặng đường 10 năm, để lại những dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực, tạo nên một vùng nông thôn có nhiều thay đổi và trở nên đáng sống.

Những vùng nông thôn nghèo khó lúc xưa nay trở nên yên bình, ngày càng trở nên những miền quê đáng sống với cảnh quan “sáng – xanh – sạch – đẹp”, kinh tế trù phú là chốn “tìm về” hạnh phúc của biết bao người con xa quê, điều này càng thấy rõ khi dòng người từ thành thị trở về nông thôn để tránh dịch Covid -19 bùng phát vừa qua.

Trong những năm qua, xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, phong trào xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu được lan tỏa trên nhiều miền quê, mang lại ý nghĩa và kết quả thiết thực, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng huyện, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Việc xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu đã làm thay đổi rõ nét diện mạo trong khu dân cư, qua đó nhận thức của người dân về phát triển kinh tế nông thôn, tư duy sản xuất hàng hóa được nâng lên, hình thành mô hình phát triển kinh tế ở thôn, bản theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và du lịch nông thôn.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nâng lên; vai trò chủ thể của người dân được phát huy; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, những vùng nông thôn nghèo khó lúc xưa nay trở nên yên bình, trở nên đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 tăng gấp 4,52 lần so với năm 2010 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,96 (năm 2010) xuống còn 1,52% (năm 2021).

Đến nay, Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện, 346 xã, 904 thôn (bản) đạt chuẩn NTM (trong đó, có 692 thôn, bản miền núi); có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 9 xã, 234 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao. Là một trong số ít tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số huyện, xã, thôn (bản) đạt chuẩn NTM và sản phẩm OCOP nhiều nhất cả nước.

Xây dựng NTM kiểu mẫu tạo nên diện mạo vùng tỉnh thanh sáng-xanh-sạch-đẹp

 * Chú trọng giá trị “mềm” trong xây dựng NTM

Trong  thời gian tới, bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”. Trong đó, cốt lõi là đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn được nâng lên về chất.

Xây dựng miền quê đáng sống không chỉ có hệ thống hạ tầng khang trang, rộng rãi, mà miền quê đó vẫn luôn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt nông thôn Việt Nam, điều đó thể hiện rõ ở việc thực hiện bộ tiêu chí “mềm” như người dân đoàn kết, thương yêu, tương trợ giúp đỡ nhau, gắn bó tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng; tạo cảnh quan môi trường sống xanh, sạch, đẹp; mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; phong trào “trồng hoa thay thế cỏ dại”, “tuyến đường xanh, sạch, đẹp”; phong trào xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa; phát triển mô hình khuyến học trong dòng họ, gia đình; xã hội nông thôn trật tự, an toàn, bình yên…đặc biệt là cấp ủy, chính quyền ở nơi đó đóng vai trò tập hợp, dẫn dắt người dân đồng thuận, ủng hộ và hưởng ứng tham gia trong việc góp công, góp sức, tiền của, hiến đất để xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, qua đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao đầy đủ về thu nhập, đời sống văn hóa, tinh thần, không gian cảnh quan, môi trường sống, tạo được ấn tượng đối với những người con sinh ra trên mảnh đất đó, ai nấy đều thấy tự hào, càng yêu và gắn bó với quê hương.

* Hướng tới Nông thôn mới thông minh

Với phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, vì vậy, sau NTM kiểu mẫu, chúng ta cần hướng tới NTM thông minh để xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Điều nay rất phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay. Và thực tế, hiện nay ở một số xã, thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đã từng bước thực hiện áp dụng chuyển đổi số, hướng đến xây dựng NTM thông minh, như: hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa, camera an ninh tại các tuyến đường giao thông, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm…

Tin liên quan