Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại

Cập nhật: 22/03/2021 08:47

Để khuyến khích làm điện mặt trời áp mái nhà xưởng, nhằm tận dụng sản xuất điện mà không tốn đất đai, Chính phủ có chính sách mua điện giá cao.

Dưới vỏ bọc làm dự án trang trại nông nghiệp tại bản Ỏ Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La), nhưng nhà đầu tư chỉ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để được bán điện giá cao. Ảnh: Minh Chuyên

Tuy nhiên, theo điều tra của Báo Giao thông, lợi dụng chính sách này, nhiều ông chủ đã ồ ạt đầu tư các dự án điện mặt trời ở các tỉnh dưới vỏ bọc xin đất làm trang trại. Việc sử dụng đất sai mục đích để kiếm siêu lợi nhuận từ chính sách của các ông chủ này không thể trót lọt nếu không được tiếp tay từ chính điện lực các tỉnh và chính quyền địa phương…

Kỳ 1: Thâm nhập những “trang trại điện”

Loạt trang trại này có chung đặc điểm: Không nuôi, trồng bất cứ cây gì, con gì ngoài việc dựng lên hệ thống pin năng lượng mặt trời; được xây dựng khá thần tốc và khả năng thu hồi vốn rất nhanh nhờ thủ tục đấu nối lưới điện khá đơn giản, giá thu mua cao.

Những vạt đồi phủ kín pin mặt trời

Nhìn từ trên cao, dễ dàng quan sát hàng loạt khu điện mặt trời áp mái “lấp lánh” dưới những khu đất đồi, nông nghiệp trên địa bàn xã Ea Nuôi (huyện Buôn Đôn, Đăk Lắk).

Từ tỉnh lộ 1, PV chạy theo con đường đất gồ ghề dẫn đến một quả đồi thuộc thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôi. Dưới triền đồi, ba khu điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) xếp tầng nhau và được bao bọc bởi tường rào “kín cổng cao tường”.

Dù là dự án trang trại, nhưng việc tiếp cận công trình này rất khó khăn, người lạ rất khó ra vào, quan sát. Vất vả lắm, PV mới tìm cách thâm nhập vào bên trong.

Đúng như dự đoán, các dãy nhà trang trại được thi công nằm song song nhau, với trụ sắt và đế bê tông cao khoảng 3m, bên trên lắp pin năng lượng mặt trời. Bên dưới là đất trống, đào bới nham nhở và không thấy bất kì một cây nấm nào như tên gọi của trang trại.

Người dân khu vực lân cận cho biết: “Họ nói làm trang trại chứ từ đầu đến giờ có thấy trồng nấm gì đâu. Núp bóng hết đấy. Chúng tôi ở phía ngoài còn khó sản xuất, trong khi khu vực đó nước còn không có, nấm nào sống nổi”.

Không sản xuất nấm, nhưng tìm hiểu của PV, toàn bộ hệ thống ĐNLMT áp mái tại đây lại “sinh trái ngọt”. Từ cuối tháng 12/2020 số điện mặt trời với công suất dưới 1MW này đã được đấu nối bán điện, mang lại nguồn thu chính cho trang trại.

Theo ông Nguyễn Chí Linh, cán bộ địa chính xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn, Đăk Lắk, toàn bộ diện tích đất làm điện mặt trời áp mái trên địa bàn xã chưa được chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND xã đã có ý kiến đề nghị các chủ đầu tư để đủ điều kiện làm trang trại thì phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đảm bảo quy định như chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình hạng mục bắt buộc phải có giấy phép xây dựng…

Tương tự, tại buôn Niêng 3 (xã Ea Nuôl), PV ghi nhận ít nhất 4 công trình điện năng lượng mái nhà nằm liền kề nhau và được bao quanh bởi tường rào và dây thép gai.

Bên trong trang trại này, những tấm pin năng lượng được lắp trên những dãy nhà đế bằng bê tông, cột bằng sắt rộng hàng chục m2, nằm song song với nhau.

Các dãy nhà này được vây lại bằng lưới màu đen, rất khó quan sát được bên trong trồng gì, nuôi gì. Cùng với đó, là hệ thống đường dây điện đấu nối được bố trí thuận lợi ở các góc khác nhau của khu đất.

Khác với những trang trại ở thôn Hòa Phú, dưới lớp mái đặt tấm pin năng lượng mặt trời này được chủ đầu tư bố trí dàn treo làm nấm bầu ngư.

Hình thức là thế, nhưng ai nhìn qua cũng dễ nhận thấy những dây này không mọc được bất kỳ cây nấm nào. Các bì nilon khô khốc, mốc meo không có đấu hiệu của sự sống. Dưới nền đất, nhiều vị trí cỏ mọc kín, một số dãy nhà không làm nấm thì cỏ được phun thuốc chết cháy khô.

Người đàn ông làm nhiệm vụ bảo vệ ở đây cho hay: “Tôi được ông Viễn thuê làm bảo vệ với lương tháng 6 triệu đồng cho cả 4 công trình. Dự án này xong hồi khoảng tháng 7/2020. Lúc này, trang trại có treo được một đợt nấm bầu ngư nhưng nấm không lên được bao nhiêu rồi bỏ. Thời tiết ở đây nắng nóng, trồng nấm sao được. Giờ bỏ không vậy chứ không biết làm gì”.

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Ea Nuôl cho hay, đây là dự án trang trại kết hợp ĐNLMT áp mái của ông Trần Duy Viễn và ba chủ đầu tư khác. Các công trình này được đăng kí là trang tại trồng nấm.

Còn ba trang trại ở thôn Hòa Phú là của ông Nguyễn Huy Bình, bà Trịnh Thị Sen và bà Tuyết Hoa Niê Kđăm. Từ tháng 9/2020, UBND xã EaNuôl tiếp nhận đơn xin chủ trương thực hiện Dự án sản xuất nông nghiệp về việc đầu tư trang trại trồng nấm của ba chủ đầu tư trên với tổng diện tích hơn 70.000 m2.

Tại Đắk Nông, chỉ riêng tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút), PV ghi nhận nhiều “xóm điện năng” mọc trên mái nhà trang trại. Khảo sát tại thôn Nam Tiến (xã EaPo), điện mặt trời mái nhà nhiều đến nỗi người dân hầu như không thể đếm xuể. Tại đây, các trang trại năng lượng nằm san sát nhau rộng hàng chục hecta.

Các dãy nhà được gọi là trang trại chăn nuôi được thi công song song với nhau với hai mái nhà, bên trên lắp những tấm pin năng lượng để hứng ánh nắng. Theo người dân, công trình đã được đấu nối, bán điện từ lâu nhưng bên dưới là những bãi đất trống, cỏ dại mọc kín và không có một thân nấm nào tồn tại.

PV thâm nhập vào một trang trại điện năng lượng khác vừa hoàn thiện đấu nối cuối năm 2020 của chủ đầu tư tên T. Trang trại đăng ký chăn nuôi, nhưng trên mái nhà được lắp những tấm pin năng lượng điện mặt trời, bên dưới chủ đầu tư vây lại bằng tường gạch và tôn kín mít, tuyệt nhiên không có bóng dáng con vật nào được nuôi ở đây.

Tại Gia Lai, PV ghi nhận ở xã Ia Sao (huyện Ia Grai), nhiều trang trại cũng không trồng cây gì, nuôi con gì ngoài làm hệ thống điện áp mái.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch xã Ia Sao cho biết, đến nay trên địa bàn xã có 6 trang trại kết hợp làm ĐNLMT. Tuy nhiên, có 2 dự án trồng cây dược liệu, chủ đầu tư là bà Thân Hương Lan và Dự án trang trại trồng nấm của bà Bùi Nguyễn Thu Trang nhưng không triển khai đúng mục đích.

“Núp vỏ bọc trang trại”

Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại 2

Toàn cảnh khu vực dự án nông nghiệp đã được lắp điện áp mái của ba công ty (Công ty TNHH Anh Minh SL; Công ty TNHH MTV Anh Khoa Tây Bắc và Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy hải sản Minh Kha) tại bản Tiền Phong, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

Không riêng Tây Nguyên, điều tra của Báo Giao thông cho thấy, tình trạng điện mặt trời núp bóng vỏ bọc trang trại diễn ra khá phổ biến, trên phạm vi cả nước.

Tại Sơn La, theo tỉnh lộ 113, cách thị trấn Sông Mã 7km, PV đã tiếp cận đại bản doanh sản xuất điện mặt trời nằm trên một quả đồi với diện tích hơn 3ha của Công ty Anh Khoa thuộc bản Tiền Phong, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Ghi nhận của PV cho thấy, toàn bộ diện tích quả đồi đã được hoàn thiện, hệ thống mái được lắp đặt pin mặt trời phía trên, phía dưới của hệ thống mái che có chiều cao từ 1 đến gần 3m không hề có bất kỳ vật nuôi hay cây trồng gì ngoài một số công nhân đang hoàn thiện nốt những hạng mục của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

PV cũng không thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc xây dựng chuồng trại như hệ thống chiếu sáng, bể tích nước để phục vụ sản xuất.

Phía bên hông của dự án này là ba trạm biến áp đã được lắp đặt, đấu nối với đường dây trung thế nhằm phục vụ việc bán điện.

Một người dân sống gần dự án cho PV biết đây dự án làm điện năng lượng. “Khu này là đất trồng cây được công ty mua của dân với giá khoảng 1,5 tỷ đồng của hai hộ dân, đến khoảng tháng 5/2020 thì bắt đầu triển khai và đấu nối lên lưới điện từ trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng”, người dân này cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, tổ hợp này gồm ba công ty đang thực hiện dự án ĐNLMT gồm: Công ty TNHH Anh Minh SL; Công ty TNHH MTV Anh Khoa Tây Bắc và Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy hải sản Minh Kha.

Tương tự là dự án trang trại sản xuất nông nghiệp hỗn hợp của Công ty Cổ phần Tuấn Sơn Tây Bắc tại thôn 2, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn). Toàn bộ sườn đồi rộng khoảng 2ha cũng đã hoàn thiện hệ thống ĐNLMT áp mái của Công ty TNHH Tuấn Dung Sơn La, được đấu nối với lưới điện trung thế, ở đây cũng không hề có bất cứ hoạt động sản xuất nông nghiệp nào.

Người dân sống ngay bên cạnh tổ hợp này chia sẻ, khu vực này của hai đơn vị làm chung, một bên chăn nuôi, bên còn lại làm điện áp mái song hiện tại vẫn chưa chăn nuôi gì. “Họ đưa 7 máy xúc, trang thiết bị vào làm khoảng 3 tháng thì xong và đấu nối điện vào tháng 12/2020”, người dân sống ngay kề bên cho biết.

Tương tự, là hàng loạt các dự án khác như dự án hơn 3ha thuộc ba đơn vị là: Công ty TNHH SoLar Mường Bon; Công ty TNHH SoLar Mai Sơn; Công ty TNHH SoLar, tại bản Ỏ Tra, xã Mường Bon (huyện Mai Sơn); Dự án khoảng 5ha của các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Phạm Gia; Công ty TNHH MTV Hoàng Duy So Lar; Công ty TNHH MTV Thanh Huyền So Lar; Công ty TNHH MTV Ngọc Anh So Lar; Công ty TNHH MTV Xuân Trường So Lar tại Bản Mạt, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn); Dự án khoảng 1,4ha thuộc Công ty Cổ phần Hà Anh và Công ty Cổ phần năng lượng Tây Bắc, tại bản Thín, xã Sập Vặt, (huyện Yên Châu)…

Tất cả các dự án đều nằm tại các sườn đồi và đã đấu nối lưới điện trung thế với Điện lực Sơn La nhưng không hề nuôi con gì, trồng cây gì. Đặc biệt, các dự án này đều được thi công thần tốc, chỉ hoàn thành sau vài tháng trước thời điểm 31/12/2020.

Số dự án điện áp mái dưới 1MW tăng chóng mặt

Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại 3

Khu điện mặt trời của 3 chủ đầu tư tại thôn Hòa Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được đấu nối bán điện trước 31/12/2020 với công suất dưới 1MW. Chủ đầu tư đăng ký trồng nấm nhưng tại đây không hề diễn ra hoạt động sản xuất. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 thì được thu mua với giá: Điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh.

Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 541,66 MWp. Lũy kế đến nay, có hơn 43.000 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất là 925,8 MWp.

So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31/12/2019, dễ nhận thấy trong thời gian này đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực điện mặt trời mái nhà.

Theo Phó tổng giám đốc Điện lực Sơn La Trần Duy Trinh, chính sách mua điện áp mái là mua lại điện dư thừa của người dân, doanh nghiệp làm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, mái xưởng, chứ không phải mua lại điện của doanh nghiệp dựng nhà xưởng làm mái để sản xuất điện. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là mái, mái nhà, mái trang trại thì lại không đơn giản.

Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng nhiều nhà đầu tư đi thuê đất nông nghiệp hoặc đất bỏ hoang để đầu tư các dự án điện mặt trời dưới 1 MW không có mái, vừa lách được yêu cầu bổ sung quy hoạch, lại được hưởng giá bán điện cao.

“Sở dĩ các doanh nghiệp đều chỉ làm công suất không vượt quá 1MW vì nếu trên 1 MW thì thủ tục rất khắt khe, giá bán điện thấp hơn 20% so với điện áp mái”, ông Trinh nói và cho biết, một trong những điều kiện quá đơn giản, dễ dãi, sơ hở để doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng làm sai chính là những dòng xác nhận của Chủ tịch UBND các xã một cách cẩu thả và chung chung như “ông A, bà B có số CMND, địa chỉ… đã và đang thực hiện làm trang trại”. Và ngành điện chỉ cần căn cứ vào đó, cùng với các điều kiện đi kèm đơn giản khác là ký hợp đồng!

Điều đáng nói là hàng loạt dự án làm nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chưa thi công xong đã được công ty điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện. Nói cách khác, việc hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà hiện nay thực chất đều tồn tại dưới vỏ bọc trang trại.

Thủ tục bán điện đơn giản, thu hồi vốn nhanh

Xác nhận với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Thành, Giám đốc Điện lực Sông Mã, Sơn La cho biết: Ba công ty ở xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã) đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Sơn La và lên lưới điện trung thế từ ngày 30/12/2020.

Theo ông Thành, cả 3 công ty này có 3 công tơ riêng và công suất khoảng 1 MW theo giấy phép. Tháng 1, do hệ thống mới nên sản lượng chưa có, còn tháng 2 cả ba công ty này có sản lượng điện bán lên lưới trị giá 340 triệu đồng.

Làm việc với PV, ông Đinh Văn Minh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Sơn La xác nhận, hàng loạt các đơn vị mà PV điểm mặt ở trên đã có hợp đồng mua bán điện nằm trong tổng số hơn 40 đơn vị hiện đang bán điện lên lưới trung thế của điện lực Sơn La từ trước ngày 31/12/2020.

“Thủ tục để doanh nghiệp có thể bán điện lên lưới trung thế khá đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần các điều kiện có cam kết của nhà đầu tư sử dụng đúng mục đích làm trang trại đã đăng ký; có xác nhận của UBND cấp xã về trang trại và cơ sở cung cấp điện có thiết kế mái và hệ thống pin áp mái.

Sau khi điện lực tỉnh kiểm tra lại nguồn lưới tại khu vực có đủ điều kiện thì sẽ cấp cho họ đấu nối, nếu đảm bảo kỹ thuật về điện thì sẽ nghiệm thu ký hợp đồng mua bán điện cho điện lực tỉnh Sơn La”.

Hàng nghìn dự án điện đã được đấu nối

Theo số liệu mà Điện lực Sơn La cung cấp, trong tháng 2/2021, Công ty TNHH Tuấn Dung Sơn La đã có sản lượng điện bán ra hơn 200 triệu đồng, các công ty thuộc dự án tại Bản Mạt xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã có sản lượng hơn 900 triệu đồng (áp dụng với đơn giá 1.938 đồng/1kwh).

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Sơn La, đến 24h ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát triển được 704 dự án điện áp mái với tổng công suất lắp đặt: 61.857,56 kWp. Trong đó có 43 dự án đấu nối vào lưới điện trung thế, có tổng công suất 40.206,29 kWp; 661 dự án đấu nối vào lưới điện hạ thế có tổng công suất 21.651,27 kWp. Tổng sản lượng điện phát lưới năm 2020 là 3.394.366 kWh.

Còn theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, chỉ riêng tại thôn Hòa Phú, Buôn Đôn, từ cuối tháng 12/2020, đơn vị đã thực hiện đấu nối 9 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên mái trang trại nông nghiệp dưới 1MW, với tổng công suất lắp đặt 8,99 MWp. Tính chung tại huyện Buôn Đôn, có đến 44 công trình “trồng điện” trên trang trại với tổng công suất lắp đặt là 33,59 MWp.

Đáng nói, con số này trên quy mô toàn tỉnh lên đến gần 700 công trình ĐMTMN trên mái trang trại có công suất dưới 1MW, với tổng công suất lắp đặt là 385,114 MWp đã được đấu nối, khai thác điện (trong tổng số gần 5.400 công trình ĐMTMN nói chung).

Tương tự, theo thống kê Điện lực Gia Lai, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 3.248 hệ thống ĐMTMN được đầu tư với tổng công suất 603,8 MWp. Trong đó, có 463 hệ thống lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng là dự án trang trại nông nghiệp với tổng công suất là 439,4 MWp.

Tại xã Nam Giang (huyện Đak Đoa, Gia Lai), khu trang trại phát điện mặt trời của doanh nghiệp Duy Ngọc Gia Lai cũng được đấu nối khoảng 3 tháng với công suất lắp đặt là 990 kWp. Trên diện tích lớn, trang trại đang nuôi 20 con dê, 8 con gà, 17 con heo rừng. Theo nhân viên bảo vệ, mô hình này chủ yếu là bán điện năng, còn sản phẩm nuôi trồng bên dưới là phụ.

theo V.Tư – N.Hùng – V.Yên – M.Chuyên – A.Đức (Báo giao thông)

https://www.baogiaothong.vn/bao-dong-lam-dien-mat-troi-duoi-vo-boc-trang-trai-d499906.html

Tin liên quan