Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, Việt Nam hiện có hơn 77% số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng, tương đương trên 182 triệu tài khoản.
Số lượng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến gia tăng, đi kèm với đó là tình trạng sử dụng giấy tờ giả mạo tạo tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng, sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ thực trạng trên, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2024 và Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345 nhằm bổ sung các phương thức xác thực thông tin, xác thực sinh trắc định danh công dân để ngăn chặn tình trạng lừa đảo.
Tại Cục C06, Trung tâm RAR đã triển khai 4 dịch vụ xác thực điện tử gồm: Đăng nhập bằng tài khoản VNeID; Dịch vụ chia sẻ thông tin; Xác thực thông tin từ hệ thống định danh và xác thực điện tử; Xác thực sinh trắc khuôn mặt.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã triển khai phương án cập nhật thông tin sinh trắc học của khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên đang nảy sinh một số hạn chế như: Nhiều điện thoại của người dân không hỗ trợ NFC; Vị trí đặt ăng ten NFC trên các thiết bị khác nhau dẫn đến bị lỗi khi đọc dữ liệu.
Đáng chú ý, tin tặc (hacker) có thể tấn công can thiệp luồng đọc NFC để thay đổi dữ liệu đọc từ chip nếu ứng dụng không có biện pháp bảo vệ phù hợp.
Để hạn chế tình trạng giả mạo, Trung tâm RAR triển khai dịch vụ xác thực chống giả mạo khuôn mặt, sử dụng công nghệ AI xác thực ảnh khuôn mặt của cá nhân thu nhận từ thiết bị đầu cuối.
Mục đích là ngăn chặn các hành vi giả mạo như sử dụng ảnh 2D in trên giấy, ảnh 2D trên các loại màn hình, mặt nạ 3D giấy, mặt nạ 3D tượng sáp, mặt nạ 3D silicon.
“Đây là giải pháp bao gồm chống giả mạo khuôn mặt và xác thực khuôn mặt đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp với nguồn dữ liệu từ hệ thống căn cước của Bộ Công an đảm bảo độ chính xác cao, không cần đọc NFC trên thẻ căn cước”, đại diện Cục C06 khẳng định.
Với hệ thống cung cấp dịch vụ xác thực điện tử này, cơ quan chức năng đặt mục tiêu hạn chế tối đa những nguy cơ rủi ro về giả mạo khuôn mặt, gây ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị trong các giao dịch nói riêng và tình hình an ninh trật tự nói chung.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện nhiều băng nhóm lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp.
Một số thủ đoạn mà nhà chức trách chỉ ra như: Mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook để lừa hướng dẫn, thu thập thông tin sinh trắc học; dụ truy cập vào đường link giả mạo; giả danh công an thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng…
theo Hoàng Lam – Báo Giao thông