Ảnh minh họa.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tuần hoàn
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được xác định là một trong những giải pháp chính để thực hiện định hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ những năm cuối thế kỷ 20. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu quan điểm:
“Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”. Quan điểm, khía cạnh liên quan KTTH như kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải, phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tiếp tục được khẳng định đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/8/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khuyến khích áp dụng một hoặc một số mục tiêu nội hàm của KTTH như quy định về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ “áp dụng các công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng”. Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu các định hướng: “Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp: đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Chủ trương phát triển KTTH được đề ra tại Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp “quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy KTTH và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển KTTH…”.
Từ nhìn nhận bối cảnh quốc tế, tình hình thực tiễn trong nước, quan điểm KTTH lần đầu tiên được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII năm 2021 định hướng hướng tới mục tiêu PTBV trong đó có nội dung “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”… Có thể nói, xây dựng nền KTTH, phát triển bền vững đã được Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trở thành quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những quy định của pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Dưới ánh sáng của các quan điểm, chủ trương của Đảng, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển KTTH, nhiều văn bản luật và pháp luật có những quy định liên quan đến KTTH đã được ban hành như như Luật Bảo vệ môi trường (2005, 2014, 2020), Luật Hóa chất (2007), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (2007); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010); Luật Khoáng sản (2010); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật An toàn thực phẩm (2012); Luật Đất đai (2013); Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (2013); Luật Phòng, chống thiên tai (2013); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Luật Lâm nghiệp (2017)…; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/22/2015); Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 (Quyết định số 491/ QĐ-TTg ngày 07/5/2018); Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021); Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022)… Trong đó, mô hình KTTH được xác định là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thể hiện sự chuyển đổi hướng đến xây dựng KTTH, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành vào ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) lần đầu tiên dành riêng một điều khoản cụ thể để quy định về KTTH. Việc quy định về KTTH trực tiếp trong Luật Bảo vệ môi trường cho thấy tầm quan trọng của định hướng xây dựng KTTH ở Việt Nam, một chính sách xuyên suốt thống nhất và đồng bộ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, cách ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình KTTH ở cấp chiến lược. Một trong những chính sách về bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 11 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Như vậy, Luật khẳng định, KTTH là mô hình kinh tế cần được khuyến khích phát triển từ các cơ quan hoạch định chính sách, chỉ đạo thực hiện và đặc biệt là đối với sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành.
Tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, KTTH được ghi nhận thành một điều khoản riêng biệt. Theo đó, KTTH ở Việt Nam được xác định “Là mô hình kinh tế, trong đó có các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đặc biệt, Luật giao Chính phủ có trách nhiệm quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
Mục tiêu triển khai mô hình KTTH trong giai đoạn 2025-2030
Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 687/ QĐ-TTg ngày 07/6/2022 khẳng định chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại chất thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đề án xác định, cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội.
Điểm nổi bật của Đề án Phát triển KTTH cụ thể là đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, công nghệ và môi trường đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ che phủ rừng, tăng cường tỉ lệ tái chế chất thải, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Tăng đáng kể năng lực tái chế chất thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Đến năm 2030, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% chất thải hữu cơ ở đô thị và 70% chất thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp CTRSH từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị. Đề án cũng nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nâng cao nhận thức về KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cộng đồng doanh nghiệp và người dân; xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép phát triển KTTH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương; hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường tuần hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với BĐKH, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH…
Đánh giá chung về chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển KTTH
Thuận lợi
Một là, khung pháp lý thúc đẩy nền KTTH ở Việt Nam khá toàn diện, bao hàm đầy đủ cả chu trình vận động của vật chất từ sản xuất
– tiêu dùng – xả thải; từ góc độ kỹ thuật, thể chế thực hiện đến các chính sách hỗ trợ. Việc thừa nhận chính thức về mô hình KTTH trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đã được chính thức luật hóa là căn cứ quan trọng nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KTTH trong thời gian tới.
Hai là, hệ thống các chính sách, quy định, các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn cho thấy những nỗ lực và kỳ vọng của Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện hệ thống các giải pháp nhằm thúc đẩy KTTH tại Việt Nam nói chung và KTTH trong công nghiệp nói riêng. Hệ thống các chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất, tiêu dùng được triển khai xuyên suốt; tích hợp đa dạng trong các chính sách của các ngành nghề, lĩnh vực tạo ra những chuyển biến quan trọng trong nhận thức các bên liên quan và kết quả sản xuất, mô hình sản xuất, kinh doanh.
Ba là, các chính sách tiêu dùng hướng tới KTTH đã bao quát cả tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh thương mại và tiêu dùng cá nhân; bao gồm cả tiêu dùng/sử dụng tài nguyên, năng lượng đến công cụ/phương tiện lao động sản xuất; nhắm tới thay đổi nhận thức đến thói quen và hành vi của các bên liên quan; đặc biệt là tiêu dùng của các doanh nghiệp.
Bốn là, chính sách ưu đãi khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế, phí; trái phiếu, tín dụng đầu tư trong hầu hết các hoạt động liên quan đến sản xuất, tiêu dùng cũng như xử lý/quản lý chất thải. Các khung/mức hỗ trợ, khuyến khích tăng; đồng thời mức độ xử phạt cũng nâng cao dần.
Năm là, các chính sách thường xuyên được bổ sung cập nhật và thử nghiệm các chính sách mới phù hợp với các xu hướng mới, đẩy mạnh công nghệ số như: chính sách xây dựng các trung tâm lưu trữ thông tin về chất thải làm cơ sở cho cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, chính sách về logictic… nhằm theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển.
Khó khăn và thách thức
Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình KTTH là các quy định về KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là rất mới. Pháp luật về KTTH còn phân tán và thiếu tính hệ thống, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; chưa được quy định chi tiết, đầy đủ; không dẫn chiếu, liên kết với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế. Chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển KTTH trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào. Các điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa có sự thống nhất, đồng bộ,… nên chưa tạo ra được những động lực đột phá.
Thứ hai, hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường còn chưa phổ biến. Sản xuất sạch hơn, sản xuất có trách nhiệm, tiêu dùng sạch, tiêu dùng bền vững vẫn là khái niệm được nêu trong các định hướng chính sách, văn bản pháp luật, việc áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Ý thức, trách nhiệm về khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Việc hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, thể chế, cơ chế thực thi, giám sát, đánh giá… cho từng ngành, lĩnh vực đòi hỏi còn phải đầu tư nhiều nguồn lực và thời gian.
Thứ ba, nguồn hỗ trợ cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp; một số thể chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo thiếu rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà; nội dung một số chính sách thiếu cơ sở pháp lý, thiếu tính thực tiễn, nên khó áp dụng; chưa tạo ra đột phá để thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia làm giảm tính hấp dẫn của chính sách.
Thứ tư, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế chia sẻ chưa đáp ứng yêu cầu để giám sát, đánh giá các mục tiêu của KTTH.
Thứ năm, những nhận thức đúng về KTTH cần được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân. Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng, quy hoạch khu công nghiệp theo hướng KTTH và khả năng liên kết còn nhiều hạn chế. Nhiều quy hoạch riêng rẽ do tư duy phát triển kinh tế tuyến tính, thiếu liên kết, không gắn với khả năng cân đối nguồn lực và sử dụng nguồn lực không hiệu quả… là những thách thức cần vượt qua.
Một số khuyến nghị về giải pháp phát triển KTTH ở nước ta
Đối với các bộ, ngành và chính quyền địa phương
Đóng vai trò nhạc trưởng, kiến tạo trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới, tư duy sáng tạo, chủ động, tích cực tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các giải pháp của nền KTTH theo hướng thực chất, hiệu quả phù hợp với đặc trưng của địa phương, vùng, miền; vai trò kiến tạo của các bộ, ngành và các chính quyền địa phương thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
(1) Thể chế hóa KTTH thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính bảo đảm tính thống nhất, logic giữa hệ thống các văn bản để thực hiện KTTH một cách toàn diện, có hệ thống, có tính pháp lý cao và đồng bộ với các chính sách về thuế, phí, khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, tài chính, hỗ trợ về đất đai, nhất là các quy định đã được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan như phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, thị trường “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh”, tín chỉ các bon,… nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thiết kế sản phẩm, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp,…
(2) Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng KTTH trong các ngành sản xuất, kinh doanh; lộ trình để thực hiện KTTH từ vi mô đến vĩ mô, trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm. Lộ trình KTTH cũng cần gắn với các cơ chế tài chính, chế tài để thực hiện các mục tiêu đặt ra, như cơ chế hợp tác công – tư, các quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (về sản phẩm, năng lượng, khí thải, nước thải nhất là tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các sản phẩm tái chế, tái sử dụng,…) để áp dụng KTTH; Xác định lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí thay thế các nhiên liệu nguy hại bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Lồng ghép tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp áp dụng đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số về KTTH vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp, các ngành, địa phương thành động lực, cơ hội để thúc đẩy phát triển nền KTTH.
(3) Xây dựng các hướng dẫn cụ thể về KTTH đối với các bên liên quan về các loại hình, tính chất, quy mô doanh nghiệp, lộ trình, công cụ hỗ trợ, cách thức quản lý, thực hiện xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững đối với từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể đối với KTTH, bao gồm các khung tiêu chí và các tiêu chí mềm giúp cho các ngành, doanh nghiệp sớm có kế hoạch và mục tiêu phát triển, đồng thời từng bước hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH để phục vụ quản lý và điều hành việc thực hiện KTTH thống nhất trong cả nước.
(4) Quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp tạo ra dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái chế, quản lý dự án theo vòng đời sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tiếp cận kinh tế số, phát triển các thị trường tái chế, thị trường nguyên vật liệu thứ cấp từ sản phẩm tái chế.
(5) Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp; đẩy mạnh hơn hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan để thúc đẩy việc chuyển biến nhận thức thành hành động thực tế trong triển khai KTTH, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định, tiêu chí, hướng dẫn thực hiện KTTH theo các quy định của pháp luật.
(6) Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH thuộc các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp hiểu được các lợi ích về KTTH nhằm huy động, thay đổi tư duy sản xuất và tiêu dùng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang KTTH của đất nước. Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành; người dân về định hướng chính sách, quy định pháp luật, các chiến lược, chính sách và đề án phát triển ở các cấp, các ngành… về KTTH; ý thức của người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, về việc phân loại CTRSH tại nguồn,…
(7) Thúc đẩy hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường…) thân thiện với KTTH; khuyến khích các sáng kiến, mô hình đã, đang và sẽ áp dụng các giải pháp thực hiện KTTH. Cùng với đó, để có thể thực hiện KTTH hiệu quả, KTTH cần được tiếp cận một cách có hệ thống với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp Để thích ứng cũng như thực thi các quy định của Nhà nước, cộng đồng các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề truyền thống cũng như những làng nghề mới hình thành cần phải nhận thức, trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng áp dụng mô hình KTTH, sản xuất bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; cần chủ động, sáng tạo, đổi mới về tư duy, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất (trước hết là tư duy về chất thải, cần xem chất thải là tài nguyên) để thiết lập, hoạch định chiến lược, hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp của KTTH trong sản xuất, kinh doanh được hướng dẫn trong các văn pháp luật về bảo vệ môi trường để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Thúc đẩy hình thành cơ chế liên kết trên nền tảng của khoa học và công nghệ, internet vạn vật… Điều này không những giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải mà còn tạo ra vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp về sản xuất xanh, sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, dịch vụ có lợi thế như dịch vụ xử lý chất thải, nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ đô thị khác cần có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt để thực hiện mô hình KTTH tại địa phương.
Đối với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và người dân
Các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phản biện chính sách thực hiện kế hoạch, thực hiện và giám sát thực hiện các mô hình KTTH. Việc phát huy tốt vai trò các tổ chức này, đặc biệt là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ tạo thêm động lực và hoàn thiện các mô hình KTTH ở địa phương, bởi lẽ mô hình KTTH đa dạng, phong phú, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, do đó, sự tham gia của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ góp phần quan trọng đối với từng ngành, lĩnh vực.
Đối với các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và các nhà khoa học, việc thực hiện mô hình KTTH đòi hỏi có sự đầu tư và đổi mới mô hình, dựa vào KH&CN là cốt lõi. Vì vậy, vai trò của các tổ chức KH&CN và nhà khoa học đồng hành thực hiện mô hình KTTH là hết sức quan trọng. Tùy thuộc vào từng loại mô hình KTTH triển khai trong thực tiễn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học khác nhau, phù hợp với từng loại hình mô hình khác nhau. Các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học cũng là cầu nối chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, công nghệ mới phù hợp với từng loại hình sản xuất để thực hiện mô hình KTTH trong quá trình thực hiện ở Việt Nam.
Đối với người dân, mô hình KTTH cũng phải được người dân nhận thức đầy đủ, để họ thấy được lợi ích của KTTH (như thông qua hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, những chất thải có giá trị phải được chính người dân tái sử dụng và coi chất thải như là nguồn tài nguyên). Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đã đặt người dân (và doanh nghiệp) ở vị trí trung tâm, là đối tượng thực hiện mô hình KTTH.
Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là những cơ sở, căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các lĩnh vực, địa phương trên cả nước tập trung trí tuệ, nhân lực và tiềm lực để triển khai thực hiện thành công nền KTTH, phát triển bền vững đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 -2030. 3. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020. 4. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Nhìn nhận từ những biểu hiện rào cản trên thực tiễn, Kỷ yếu hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, Nxb Lao động, 2021, tr. 138. 5. Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư. 6. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. 7. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. 8. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. 9. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành số điều của Luật Bảo vệ môi trường. 10. https://www.monre.gov.vn; moit.gov.vn; tapchimoitruong.vn; ktpt.neu.edu.vn; https://rrsd.org.vn; https://tapchitaichinh.vn,…. |
theo TS. HOÀNG QUỐC LÂM
Trung tâm Truyền thông TN&MT – Bộ TN&MT
ThS. NGÔ XUÂN HÒA – Tạp chí luật sư VN