Trịnh Văn Quyết đã bồi thường bao nhiêu?
Chiều nay (5/8), TAND TP Hà Nội dự kiến tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.
Sau 2 tuần xét xử và nghị án, phiên tòa có nhiều diễn biến bất ngờ so với những thông tin được cơ quan tố tụng nêu trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, tính đến thời điểm hội đồng xét xử bước vào nghị án, bị cáo Trịnh Văn Quyết được cơ quan tố tụng ghi nhận đã khắc phục hậu quả với số tiền hơn 237 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 4.300 tỷ đồng. Do đó, Viện Kiểm sát (VKS) đánh giá số tiền ông Quyết đã bồi thường là không đáng kể.
Tranh luận trước tòa, ông Quyết liệt kê những động thái khắc phục hậu quả, như bán Hãng hàng không Bamboo được gần 200 tỷ đồng. Bị cáo kỳ vọng, khi người mua trả thêm 500 tỷ, ông ta sẽ nộp thêm.
Bị cáo cũng cho rằng, toàn bộ số tài sản bị phong tỏa, kê biên của bị cáo ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch FLC đã đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép bán các tài sản này, bao gồm cả cổ phiếu FLC để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, đại diện VKS đánh giá, dù bị cáo Quyết có muốn bán tài sản để khắc phục hậu quả nhưng chỉ có thể ghi nhận việc người này đã nộp khoảng 240 tỷ đồng (tương đương 5% thiệt hại vụ án).
Vì sao bị hại của vụ án bị giảm?
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thống kê được 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong lần bán ra ban đầu. Những người này được xác định là bị hại đã mua cổ phiếu nhưng không biết bị Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối để thao túng.
Tuy nhiên, tại phiên tranh luận, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (một trong 4 người bào chữa cho Trịnh Văn Quyết) cho rằng, thực tế vụ án chỉ có 133 bị hại. Ngoài ra, nhiều bị hại có tên bị trùng lặp, một số trường hợp khác đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng nên không thể coi họ là nạn nhân.
Khi tranh tụng, VKS ghi nhận hơn 5.000 trường hợp bị trùng tên tuổi nhân thân, nên điều chỉnh theo hướng giảm số người bị hại còn hơn 25.000 người.
Một diễn biến đáng chú ý khác, giai đoạn điều tra ban đầu, ông Quyết phủ nhận cáo buộc lừa đảo các nhà đầu tư. Song đến khi ra hầu tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi nâng khống vốn Công ty Faros rồi niêm yết sai quy định trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Qua đó, bị cáo bán cho các nhà đầu tư và thu lời bất chính 3.600 tỷ đồng.
Trong lời nói sau cùng, Trịnh Văn Quyết cho rằng, nhiều người thân quen, họ hàng cùng phải đứng ở bục dành cho bị cáo tại phiên tòa lần này là do tin tưởng vào bị cáo. Do đó, ông Quyết mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho tất cả bị cáo liên đới.
Về mức án, VKS đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết tổng mức án 24-26 năm tù về các tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vai trò đồng phạm, hai em gái của ông Quyết gồm Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị 17-19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga bị đề nghị 10-12 năm tù. Cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung bị đề nghị tổng mức án 11-13 năm tù.
Nhóm cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị xét xử cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT 7-8 năm tù; Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT 6-7 năm tù.
44 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 18 tháng tù – 26 năm tù, không ai được đề nghị cho hưởng án treo.
theo Hoàng Lam – Báo Giao thông