Bà Đỗ Thị Bích có đơn thư gửi đi nhiều nơi, phản ánh việc nhà ông Đỗ Duy Quân xây tường rào chiếm ngõ đi chung
Báo Điện tử Xây dựng nhận được đơn đề nghị của bà Đỗ Thị Bích, địa chỉ thường trú: Xóm Phố, đội 21, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phản ánh về việc ông Đỗ Duy Quân (hàng xóm – PV) cố tình dựng hàng rào chiếm ngõ đi chung, khiến thửa đất không còn lối đi.
Nội dung đơn thư nêu: Năm 1993, bà Đỗ Thị Bích cùng chồng là Đỗ Duy Hòe có mua mảnh đất của ông bà Đỗ Duy Thủ – Lâm Thị Gái, tại khu vực thôn Thượng – Nam Xá (nay là xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) với diện tích 240m2. Mảnh đất này có nguồn gốc đất dãn dân, được chính quyền xã cấp cho gia đình ông bà Đỗ Duy Thủ – Lâm Thị Gái vào năm 1991. Sau đó, bà Đỗ Thị Bích và Đỗ Duy Hòe cho con trai là anh Đỗ Duy Điệp sử dụng mảnh đất để trồng cây.
Đến ngày 16/10/2007, UBND huyện Nam Trực đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK800386 cho anh Đỗ Duy Điệp. Theo đó diện tích sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 240m2 tại thửa đất số 4997 tờ bản đồ số 12, trong đó diện tích đất ở là 160m2, đất trồng cây lâu năm là 80m2.
Mảnh đất này cũng như các mảnh đất khác nằm giáp danh, đều có nguồn gốc được UBND xã cấp đất dãn dân từ năm 1991, phía trước mỗi mảnh đất đều có lối đi chung. Tuy nhiên mới đây, ông Đỗ Duy Quân là người cùng thôn đã mua lại mảnh đất giáp ranh mảnh đất của anh Điệp sử dụng. Đến tháng 3/2019, ông Đỗ Duy Quân đã cho người xây tường rào, chiếm toàn bộ phần ngõ đi vào thửa đất của anh Đỗ Duy Điệp. Trước đó, mảnh đất này có ngõ đi ra đường xóm với chiều ngang 2m.
Bà Đỗ Thị Bích cho biết: “Sau khi phát hiện việc xây tường rào, chiếm ngõ đi chung, tôi ra can ngăn và đề nghị ông Quân không được xây dựng tường rào nữa, nhưng ông Quân vẫn cố tình xây dựng. Đến chiều ngày 02/4/2019, anh trai ông Đỗ Duy Quân còn đến nhà tôi lăng mạ, đe dọa gia đình tôi. Việc này tôi đã có đơn trình báo ra UBND xã Điền Xá và thông báo cho ông Đỗ Đình Việt – công an xã chứng kiến. Việc ông Quân cố tình xây dựng tường rào chiếm ngõ đi, khiến mảnh đất của con trai tôi không còn lối để đi vào.
Bức tường đã được xây dựng kiên cố |
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 11/01/2020 UBND xã Điền Xá đã có Thông báo số 01/UBND về việc giải quyết đơn đề nghị của bà Đỗ Thị Bích xóm 21, xã Điền Xá. Trong Thông báo ghi, UBND xã Điền Xá đã làm việc với một số người có liên quan đến nội dung trên. Trong đó, ngày 17/04/2019 UBND xã đã làm việc với bà Lâm Thị Anh (là vợ ông Đỗ Duy Thủ ) tại trụ sở UBND xã. Theo bà Anh cho biết, thời điểm giao đất cho gia đình bà Bích là có 2m ngõ đi chung vào thửa của gia đình (có biên bản kèm theo). Tiếp đến, ngày 17/09/2019 Tổ công tác xã đã làm việc với ông Đỗ Duy Quân, Đỗ Thị Bích, Đỗ Đình Hoà tại hiện trạng thửa đất cuả những hộ trên. Các hộ đã phối hợp với tổ công tác chỉ mốc giới sử dụng đất của các hộ. Tổ công tác đã đo đạc hiện trạng (có sơ đồ hiện trạng thửa đất của các hộ kèm theo)…
Tuy nhiên phần kết luận của Thông báo, căn cứ vào hồ sơ quy hoạch đất tại thực địa và hộ sơ giao đất năm 1990 cho 10 hộ, UBND xã Điền Xá kết luận: “Không có ngõ đi chung, hộ bà Đỗ Thị Bích, hộ ông Đỗ Duy Quân và hộ bà Mai (vợ ông Đỗ Đình Hòa) đang sử dụng và canh tác hiện nay là người nhận chuyển nhượng lại của các hộ được giao đất năm 1990 chuyển nhượng. Do đó không nắm bắt được nguồn gốc đất giãn cư”.
Sau khi có Thông báo của UBND xã Điền Xá về việc trả lời đơn thư của công dân, bà Đỗ Thị Bích đã tiếp tục gửi đơn lên UBND tỉnh Nam Định. Ngày 16/01/2020 UBND tỉnh Nam Định đã có Văn bản số 50/UBND-VP8 về việc báo tin xử lý đơn thư gửi bà Đỗ Thị Bích, trong đó nêu, sau khi xem xét nội dung đơn, các căn cứ quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã chuyển đơn của bà đến UBND huyện Nam Trực xem xét, giải quyết theo quy định.
Luật sư Nguyễn Công Hiếu thuộc Công ty Luật TechCo (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá nội dung vụ việc như sau: Thửa đất mà hộ gia đình bà Đỗ Thị Bích mua từ năm 1993 đã được công nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh Đỗ Duy Điệp nên việc xác định ngõ đi có thuộc ngõ đi chung cần phải căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân đã sử dụng ngõ đi chung này. Từ đó có căn cứ xác định ngõ đi chung này có thể hiện trong hồ sơ về thửa đất hay không? Các bên có ký giáp ranh đồng ý việc sử dụng ngõ đi chung hay không? Trong hồ sơ địa chính của xã tuy không lưu hồ sơ giãn dân, nhưng thông qua việc vận động trong quá trình sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực này có thể thấy đã tồn tại các thỏa thuận về việc hình thành ngõ đi chung từ lâu, nên việc xác định ngõ đi chung được hình thành từ thời điểm nào, vị trí, kích thước, chiều dài, chiều rộng, chiều cao phải dựa vào các thỏa thuận của các hộ dân đang cùng sử dụng lối đi chung.
Cũng theo Luật sư Hiếu: Nếu như hồ sơ về thửa đất của các hộ có thể hiện đầy đủ về ngõ đi chung thì hộ ông Đỗ Duy Quân (là người có đất giáp ranh với hộ gia anh Đỗ Duy Điệp) phải tôn trọng và thừa nhận ngõ đi chung đã được hình thành từ trước, trên cơ sở thỏa thuận của các hộ gia đình đã sử dụng ổn định ngõ đi chung. Ông Quân phải chấm dứt hành vi lấn chiếm ngõ đi chung và tháo dỡ các công trình xây dựng đang làm cản trở ngõ đi chung đã sử dụng ổn định trước đó.
Luật sư Hiếu trích dẫn: Mặt khác, theo Điều 275 Bộ luật dân sự 2005, tương ứng với Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền về lối đi qua như sau:
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Trong trường hợp ông Đỗ Duy Quân chứng minh được quyền sử dụng hợp pháp với ngõ đi (ngõ đi được công nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tức là thửa đất đứng tên anh Điệp không có lối đi nào khác thì anh Điệp có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề phải mở lối đi cho thửa đất của mình. Lối đi được mở sao cho được coi là thuận tiện và hợp lý nhất và thiệt hại gây ra là ít nhất cho nhà liền kề. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc UBND huyện Nam Trực để xử lý giải quyết.
Cũng liên quan đến việc lấn chiếm ngõ đi chung, bà Đỗ Thị Bích đã gửi đơn đến các cơ quan TW và đã có các phiếu chuyển đơn về tỉnh Nam Định. Nội dung chuyển đơn và phản hồi sự việc của các Sở, ngành tỉnh Nam Định sẽ được chúng tôi phản ánh tiếp ở bài viết sau.
theo Thanh Thanh – Báo xây dựng