Như thường lệ, công tác lập pháp là một trong những trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp thứ Bảy. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật khác. Với 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết – đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như: Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước)… Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách. Dù GDP quý I.2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay, song nhiều dữ liệu cho thấy với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân thì khó khăn đang nhiều hơn thuận lợi. Điều này khiến mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2025 gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, giải pháp nào thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong ngắn hạn và củng cố năng lực nội sinh của nền kinh tế trong dài hạn sẽ là câu hỏi quan trọng trên bàn nghị sự của Quốc hội.
Với hoạt động giám sát, Quốc hội dự kiến chất vấn và trả lời chất về các nhóm vấn về thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành trong 2,5 ngày. Cùng với đó, Quốc hội dành gần 1 ngày để tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Chuyên đề giám sát này được đánh giá là khó và phức tạp bởi phạm vi giám sát rộng trong khi quỹ thời gian tương đối eo hẹp. Đây cũng là chuyên đề giám sát có ý nghĩa quan trọng của Quốc hội, được người dân cả nước quan tâm với hy vọng Đoàn giám sát không chỉ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan mà còn đi sâu vào những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Đặc biệt, một nội dung rất quan trọng là tại kỳ họp này Quốc hội sẽ kiện toàn lãnh đạo chủ chốt của đất nước, cụ thể là xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với sự tín nhiệm của 100% đại biểu có mặt, đã tuyên thệ và phát biểu nhậm chức, khởi đầu cho chặng đường tiếp theo của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân – là trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Quốc hội trong thời gian tới.
Với nghị trình dày và nhiều vấn đề quan trọng như vậy của Kỳ họp thứ Bảy, cử tri cả nước đang hướng về Ba Đình với kỳ vọng rất lớn. Trách nhiệm của mỗi đại biểu, của lãnh đạo Quốc hội theo đó cũng rất nặng nề. Bằng việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đưa ra các quyết sách đúng đắn, các đại biểu Quốc hội sẽ làm làm nên một kỳ họp thành công và góp phần đưa đất nước phục hồi nhanh, phát triển bền vững, mang lại ấm no hạnh phúc cho tất cả người dân.