Quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng

Cập nhật: 20/07/2022 08:20

Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 cho thấy, cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến rõ nét. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao, lượng tài sản tham nhũng được thu hồi tăng rõ rệt.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thảo luận, cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh minh họa: Đăng Khoa)

Tuy nhiên, so với yêu cầu, tỷ lệ tài sản được thu hồi vẫn còn thấp. Trong khi số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tăng, Trung ương xác định cần các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm thu hồi tối đa tài sản tham nhũng. Ðây cũng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bài 1: Nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ

Các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng về công tác phòng, chống tham nhũng đã xác định nhiệm vụ thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có, đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Mới đây, Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, khẳng định quan điểm nhất quán và mức độ ngày càng quyết liệt trong chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhiệm vụ cấp thiết

Trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cụm từ “những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng (rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu uy tín của cấp ủy, chính quyền…” xuất hiện ngày càng thường xuyên. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước như việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; các dự án, gói thầu liên quan Ðinh Ngọc Hệ; mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,… chỉ ra những con số khổng lồ về tài sản nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.

Qua một số vụ án tương tự cho thấy, có sự “bắt tay ngầm”, bao che thậm chí tiếp tay, giữa một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu trong hệ thống cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, với các tổ chức, cá nhân, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính. Hệ quả nguy hại là số lượng lớn tài sản nhà nước bị thất thoát, cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm tổn hại uy tín hệ thống cơ quan công quyền và suy giảm niềm tin của nhân dân.

Ðiển hình như các vụ án liên quan Nguyễn Ðức Kiên; Dương Chí Dũng; Huỳnh Thị Huyền Như; Giang Kim Ðạt; Phạm Công Danh; Hà Văn Thắm; Châu Thị Thu Nga; Trịnh Xuân Thanh; Hứa Thị Phấn…; và mới đây là các vụ xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), trực thuộc Bộ Chính trị, đáp ứng nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình mới. Với quyết tâm tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, các thành viên là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan Trung ương của Ðảng và Nhà nước, chính thức hoạt động từ ngày 1/2/2013, đã thể hiện vai trò “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng”, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu. Trước đây, việc điều tra, xử lý tham nhũng chủ yếu tập trung phát hiện, xử lý tội phạm, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng ít được quan tâm, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp, tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Ðến giai đoạn hiện nay, cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có bước chuyển quan trọng.

Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao, nhất là các vụ việc, vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%, trong giai đoạn 2012-2022, bình quân đạt tỷ lệ 34,7%.

Theo Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ tài sản được thu hồi trên tổng số tài sản mà các ngành đã kiến nghị thu hồi đạt khá cao; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Công tác truy tìm, truy thu, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản cũng được các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án triển khai để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Ngay từ lúc khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng đã tăng cường xác minh, áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản kịp thời ngăn chặn không để đối tượng chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản chiếm đoạt. Ðiển hình là vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, cơ quan tố tụng đã thực hiện kê biên và phong tỏa khoảng 200 bất động sản; hơn 24,3 triệu cổ phần, cổ phiếu các loại và hơn 30 tỷ đồng tiền mặt, tổng trị giá ước tính hơn 10 nghìn tỷ đồng để bảo đảm thi hành án; vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (giai đoạn 1), thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng…

Có vụ án tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt được thu hồi ngay từ giai đoạn trước khi khởi tố vụ án, điển hình như vụ án xảy ra tại AVG, cơ quan chức năng đã thu hồi 8.843 tỷ đồng. Nhiều vụ án có số tiền bị chiếm đoạt, thiệt hại lớn đã được thu hồi toàn bộ ngay trong giai đoạn điều tra vụ án…

Theo Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, đối với các vụ án kinh tế tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đến hết năm 2020, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 80 vụ việc theo dõi, đôn đốc thu hồi tài sản. Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tích cực thu hồi tài sản đối với các vụ việc đang xử lý, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Riêng năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 14.000 tỷ đồng; bằng 73,6% tổng số tiền đã thi hành xong trong giai đoạn 2013-2019.

Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu

Ðánh giá kết quả nổi bật qua 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tại Hội nghị toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế. Ðó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu…

Nâng cao hơn nữa quyết tâm và hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tại Chỉ thị 04, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…

Song song quy định về trách nhiệm thực hiện, Trung ương đồng thời ban hành quy định về chế tài xử lý kỷ luật khi tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu tham nhũng, để xảy ra tham nhũng và không thực hiện trách nhiệm khắc phục, thu hồi tài sản tham nhũng. Theo Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đảng viên vi phạm nếu chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét kỷ luật.

Ngược lại, đối với đảng viên vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả hoặc khắc phục không đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có, sẽ được coi là tình tiết tăng nặng mức kỷ luật.

So với các quy định trước đó, Quy định 69 bổ sung nhiều điểm mới cho phù hợp với các quy định của Ðảng mới được ban hành trong thời gian qua, đáp ứng những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Về vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định 69 nêu rõ các mức xử lý kỷ luật, cụ thể, bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), đối với một trong các trường hợp: Dùng công quỹ của Nhà nước, tập thể hoặc tiền, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ để giao dịch, biếu xén, hối lộ hoặc sử dụng trái quy định; kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực; nhờ người khác đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập…

Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Mở tài khoản chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định; tổ chức, tham gia hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức; chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm mục đích trục lợi; tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập; không chỉ đạo và tổ chức thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện chủ trương được thống nhất tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII mới đây, ở các địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do các đồng chí bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy trực thuộc Trung ương làm trưởng ban, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh góp phần tham mưu, đề xuất thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, phối hợp xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, lan tỏa mạnh mẽ quyết tâm và hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

(Còn nữa)

Giai đoạn 2012-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ðã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Giai đoạn 2016-2021, quá trình xử lý các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản trị giá hơn 50 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Tin liên quan