Tạo dựng khuôn khổ pháp lý để Thủ đô phát triển đột phá

Cập nhật: 25/05/2024 10:16

 Trao đổi với PV PLVN, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) khẳng định, việc Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 dự kiến sẽ xem xét đồng thời 3 nội dung liên quan đến Thủ đô Hà Nội sẽ vừa tạo ra định hướng phát triển, vừa đưa ra các phương án để thực thi, tạo ra sự thay đổi, đột phá của Thủ đô trong thời gian tới.

Đại biểu QH Hoàng Văn Cường chia sẻ bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV)

Tại Kỳ họp này, dự kiến, Quốc hội (QH) sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô). Việc QH xem xét đồng thời 3 nội dung này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Thủ đô, thưa ông?

– Tại Kỳ họp này, QH sẽ cho ý kiến về 2 quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; đồng thời thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là lần đầu tiên Quy hoạch Thủ đô được triển khai. Quy hoạch này có vai trò định hướng cho sự phát triển của tất cả các ngành, các lĩnh vực của Thủ đô. Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung sẽ cụ thể hóa những định hướng đó thành các phương án phát triển chi tiết.

Tuy nhiên, để tạo ra sự phát triển và mang tính chất đột phá theo các phương án Quy hoạch đặt ra thì phải có cơ chế, chính sách để khai thác, huy động, sử dụng tốt nhất các nguồn lực cho phát triển. Cơ chế, chính sách để khai thác, tạo ra nguồn lực tốt nhất để phát triển Thủ đô phải được thể chế hóa thành một khuôn khổ luật pháp, đó chính là Luật Thủ đô (sửa đổi). Như vậy, việc QH xem xét 3 nội dung này đồng thời với nhau vừa tạo ra định hướng phát triển, vừa đưa ra các phương án để thực thi và đưa ra trong khuôn khổ về mặt pháp lý để tạo ra sự thay đổi, đột phá của Thủ đô trong thời gian tới.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo ra cơ chế, khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)
Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo ra cơ chế, khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Với hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho đến nay, ông đánh giá như thế nào về các cơ chế, chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật? Có nội dung nào cần tháo gỡ nữa hay không?

– Về cơ bản, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện nay đã có những thay đổi căn bản và có tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần trao quyền cho Thủ đô được ban hành các quy định ở mức tiên tiến hơn. Bên cạnh đó, có một số những yếu tố đến nay vẫn kìm hãm sự phát triển của Thủ đô, điển hình là cải tạo, chỉnh trang đô thị, nếu như sử dụng những cơ chế thông thường thì không thực hiện được mà cần phải có sự đột phá riêng của Thủ đô, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội như sông Hồng và một số dòng sông khác.

Nếu chúng ta cứ duy trì các quy định như hiện nay là theo điều chỉnh của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai thì đương nhiên các dòng sông Hà Nội sẽ tiếp tục bị để hoang hóa giống như các dòng sông của các tỉnh khác. Trong khi đó, ở Thủ đô các nước, các dòng sông đi qua sẽ là nơi tạo ra bộ mặt chính của đô thị. Vì vậy, phải có cơ chế đặc thù riêng cho việc khai thác tiềm năng như quản lý sông, hồ trên địa bàn TP.

Hay chúng ta nhìn thấy những vấn đề về phân bố hoạt động về sản xuất giữa Thủ đô với các khu vực. Thủ đô bao giờ cũng phải là nơi được lựa chọn tập trung đầu tư các yếu tố trình độ phát triển cao nhất, tinh túy nhất, còn những gì mang tính chất gây ra những yếu tố như ô nhiễm, tạo ra sức ép về nhân lực thì thường phải phân bố ra bên ngoài. Song, hiện nay, chúng ta chưa có quy định trong việc sàng lọc, lựa chọn các hoạt động đầu tư vào trong trong không gian, địa phận của Thủ đô. Do vậy, những vấn đề như xử lý rác thải, vấn đề liên quan đến môi trường, nghĩa trang đô thị luôn tạo sức ép của đô thị Hà Nội. Đáng ra, những cái này phải phân tán ra ngoài chứ không phải tập trung vào Thủ đô.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00