Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh: Nâng cao sức chiến đấu của Đảng theo phương châm “thà ít mà tốt”

Cập nhật: 06/06/2022 09:17

Nhắc lại quan điểm trên đây của Lênin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh, chúng ta luôn cần những đảng viên gương mẫu, đầu tàu, nhiệt huyết, làm gương sáng cho quần chúng noi theo… Nhắc lại cũng để thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta, dứt khoát phải làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

LTS: Nhằm góp phần cùng cả hệ thống chính trị nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước; bắt đầu từ hôm nay (6/6), Báo PLVN chính thức ra mắt bạn đọc 3 chuyên mục: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Văn hoá & pháp luật.

Báo PLVN mong nhận được sự quan tâm theo dõi, góp ý, hưởng ứng và cộng tác của các chuyên gia, học giả và bạn đọc trong cả nước để 3 Chuyên mục thực sự là diễn đàn, cầu nối thông tin đa dạng, hấp dẫn, thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa định hướng dư luận, tạo thêm niềm tin, động lực, khí thế cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh… Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ tính riêng hơn 10 năm gần đây, trong 3 khóa liên tục, sau khi kiện toàn công tác tổ chức và nhân sự, Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm. Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao ban hành Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chia sẻ những lo ngại về chất lượng đảng viên, về sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng theo phương châm mà Lênin từng nhấn mạnh: “Thà ít mà tốt”, “những đảng viên hữu danh vô thực thì có cho không, chúng ta cũng không lấy”. Nhắc lại câu nói của Lênin vào thời điểm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta luôn cần những đảng viên gương mẫu, đầu tàu, nhiệt huyết, làm gương sáng cho quần chúng noi theo, chứ không cần những đảng viên “mũ ni che tai”, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai cũng không dám đấu tranh.

Đồng thời, cũng cảnh báo rằng, sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương, trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì Đảng phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Nhắc lại cũng để thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta, dứt khoát phải làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (diễn ra vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liệt kê 4 điểm mới đáng chú ý của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII. Theo đó, Kết luận của Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền… Bên cạnh đó, mục tiêu được xác định lần này cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới, trong đó kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách.

“Chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong chính mỗi con người, luôn có nguy cơ trỗi dậy, bùng phát khi có cơ hội. Đóng vai trò quyết định trong chống chủ nghĩa cá nhân là nội lực của mỗi con người được bảo đảm bằng nền tảng đạo đức đủ sức tự chủ bản thân, kiểm soát được ham muốn, khiến hành vi không vượt qua lằn ranh của pháp luật và đạo đức xã hội”. (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng).

Để chống chủ nghĩa cá nhân, cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, chúng ta có thêm Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, tập trung vào hai nhóm vấn đề: Nhóm quy định về những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nhóm quy định về những việc làm sai trái trong công tác cán bộ. “Đây là những quy định được ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Nhấn mạnh “chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?”, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị phải làm rất nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; tránh hời hợt, hình thức. Phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm.

Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Tinh thần này một lần nữa lại được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra. Người đứng đầu Đảng ta đề nghị từng đảng viên phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân.

“Số lượng đảng viên cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng. Nếu đông nhưng chất lượng kém thì thậm chí còn tai hại hơn. Chính vì vậy, giữa số lượng và chất lượng thì phải đặc biệt coi trọng chất lượng… Hiện nay chúng ta có hơn 5 triệu đảng viên, nhưng nếu chỉ trông chờ vào 5 triệu đảng viên này thì chúng ta cũng không thể tiến hành công cuộc đổi mới, đó là sức mạnh của gần 100 triệu người dân Việt Nam; vì vậy người đảng viên khi tiền phong, gương mẫu sẽ có sức mạnh lôi cuốn, tập hợp được quần chúng và nó kết tinh thành sức mạnh của toàn thể dân tộc, đó mới là sức mạnh vô địch”. (Ông Nguyễn Đức Hà, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương).

theo Vân Thanh – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan