10 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới

Cập nhật: 29/11/2022 16:24

Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hai là, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp.

Sáu là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Bảy là, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tám là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chín là, tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mười là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng quy định về một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đề ra là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBNDPTHỌ cấp tỉnh, cấp huyện.

Tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách. Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Xác định rõ và thực hiện đầy đủ vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp.

Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Nghị quyết nêu rõ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.  Tiếp tục cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, chất lượng dịch vụ công; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế.

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ðẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ.

Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Tập trung phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền hành chính quốc gia; cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

theo MINH QUÝ – Tạp chí luật sư VN

 

Tin liên quan

Xét xử vụ Tân Hoàng Minh: Gần 1.000 bị hại đến tòa - Cập nhật: 19/03/2024 15:57
Trụ sở gần 8 tỷ đồng xây xong bị từ chối tiếp nhận - Cập nhật: 18/03/2024 09:52
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ Xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đánh giá kỹ tác động của các quy định mới - Cập nhật: 15/03/2024 14:07
UBTVQH sẽ cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) - Cập nhật: 14/03/2024 08:26
Một số quy định mới đối với công chức lãnh đạo, quản lý - Cập nhật: 13/03/2024 10:01
Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH và một số công trình quan trọng quốc gia: Làm rõ khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm về ban hành, thực thi chính sách - Cập nhật: 12/03/2024 09:52
Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước - Cập nhật: 11/03/2024 08:47
Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ chất vấn lĩnh vực Tài chính và Ngoại giao - Cập nhật: 08/03/2024 08:45
Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng - Cập nhật: 07/03/2024 16:18
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khơi dậy tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân - Cập nhật: 04/03/2024 09:52