Kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty: Kiến nghị tăng thu cho ngân sách cả ngàn tỷ đồng

Cập nhật: 20/08/2021 08:10

Kiểm toán 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước 1.031,36 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao.

Nhiều doanh nghiệp có lãi

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019. Riêng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2019, kết quả cho thấy 17/17 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) được kiểm toán sản xuất kinh doanh có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao.

Đơn cử như lợi nhuận sau thuế năm 2019 của các đơn vị ngành Dầu khí như: PTSC 995,62 tỷ đồng, PVTrans 982,09 tỷ đồng; EVNCPC 767,93 tỷ đồng; UDIC 671,22 tỷ đồng; Samco 588,85 tỷ đồng; EVN HCM 548,51 tỷ đồng; TCT Địa ốc Sài Gòn 504,78 tỷ đồng; Handico 353,61 tỷ đồng; TCT Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam 101,92 tỷ đồng; …. Đặc biệt, nhiều DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao như: PTSC 20,8%; PVTrans 17,87%; UDIC 13,7%; Handico 9%; EVNCPC 7,53%…

Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các đơn vị được kiểm toán còn một số hạn chế, tồn tại. Điển hình là phần lớn các DN còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn (tổng tài sản, nguồn vốn tăng 629,2 tỷ đồng, giảm 65,78 tỷ đồng), doanh thu, chi phí (tổng doanh thu, thu nhập tăng 484,87 tỷ đồng, giảm 209,22 tỷ đồng). Đặc biệt, đã kiến nghị tăng thu NSNN 1.031,36 tỷ đồng.

Vẫn còn tình trạng mất vốn nhà nước

Ngoài ra, KTNN cũng đã chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp (DN) vẫn còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn…

Nhiều DN chưa ban hành quy chế quản lý tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo gây nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định.

Một số DN mua sắm vật tư chưa đúng với nhu cầu sử dụng dẫn đến lượng vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển hoặc tồn kho lớn; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lâu năm chưa được nghiệm thu khối lượng hoặc chấp thuận thanh toán hoặc hết doanh thu; đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn; còn một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả.

KTNN cũng chỉ ra còn có đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đáng nói, một số DN đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu; một số khoản đầu tư của TĐ, TCT vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn; đầu tư ra nước ngoài hiệu quả chưa đạt theo phương án phê duyệt; trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; chi trả cổ tức chưa kịp thời; chưa ban hành hoặc ban hành quy chế người đại diện vốn chưa đúng quy định; tình trạng sở hữu chéo tại các DN trong cùng TĐ, TCT chưa được khắc phục; chưa kịp thời nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn.

Cùng với đó, việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại DN chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh, định mức lao động chưa phù hợp thực tế; trích quỹ lương vượt quy định.

Về quản lý sử dụng đất, KTNN cũng chỉ ra thực trạng một số DN còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm; thực hiện hợp tác kinh doanh hoặc nhận hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, giao và thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đất không đúng quy định.

Ngoài ra, nhiều TĐ, TCT, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính và vẫn còn vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa DN…

theo Thanh Thanh – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan