Người dân Kenya tin rằng một nửa nghị sỹ tham nhũng

Cập nhật: 12/01/2021 09:24

Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu độc lập Afrobarometer, người dân Kenya tin rằng, gần 50% nhà lập pháp của họ tham nhũng, trong khi ngành Cảnh sát được xếp hạng cao nhất về tình trạng tham nhũng với 66%.

Tòa nhà Quốc hội Kenya. Ảnh: NMG

Văn hóa hối lộ

Trong bối cảnh có nhiều vụ việc tham nhũng liên quan đến công chức Kenya, một cuộc khảo sát mới đây của Afrobarometer cho thấy, người dân tin rằng, gần một nửa số thành viên Quốc hội (nghị sỹ) của họ nhận hối lộ.

Những năm gần đây, nhiều nghị sỹ Kenya đã được gọi tên trong bê bối tham nhũng. Năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Justin Muturi đã mời Ủy ban Đạo đức và Chống tham nhũng (EACC) và Cục Điều tra Hình sự (DCI) tiến hành điều tra các cáo buộc cho rằng, một số nghị sĩ đã nhận khoản tiền lại quả từ 10.000 – 30.000 Sh để bác bỏ báo cáo của một ủy ban điều tra về hoạt động buôn bán đường lậu trong nước.

Trong khi đó, ngành Cảnh sát Kenya đứng ở vị trí số 1 về tình trạng tham nhũng, với “văn hóa” hối lộ ăn sâu vào đời sống hàng ngày của người dân.

“Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Gabon, Mali và Guinea, tình trạng tham nhũng được coi là cao trong các tổ chức Chính phủ. Nhưng ở những nơi khác, đáng chú ý nhất là Kenya, Uganda, Sierra Leone, Nigeria, Côte d’Ivoire và Ghana, cảnh sát nổi bật là lực lượng tham nhũng hơn nhiều so với các tổ chức Chính phủ khác”, báo cáo cho biết.

Theo Afrobarometer, 66% người Kenya đã phải hối lộ các sĩ quan cảnh sát vì rất khó nhận được sự trợ giúp của họ và để tránh các vấn đề rắc rối (39%).

“Mức hối lộ trung bình cho cảnh sát là cao so với nhu cầu hối lộ để đổi lấy dịch vụ công quan trọng khác như cung cấp giấy tờ tùy thân (25%), chăm sóc y tế (20%) và các dịch vụ trường học công (19%)”, báo cáo cho biết thêm.

Sự tiếp xúc giữa cảnh sát và người dân Kenya là rất cao – làm tăng nguy cơ hối lộ. Trong cuộc sống hàng ngày, người Kenya phải thực thi pháp luật tại các trạm kiểm soát giao thông, tuần tra an ninh hoặc khi báo cáo tội phạm hay tìm kiếm các tài liệu quan trọng như bản trích yếu của cảnh sát hoặc giấy chứng nhận tư cách tốt.

Bên cạnh những lo ngại về hối lộ trong ngành Cảnh sát, các quan chức thuế cũng bị chú ý liên quan đến những cáo buộc về việc trốn thuế, đặc biệt là tại các cảng nhập khẩu hoặc xử lý thuế giá trị gia tăng (VAT) của các doanh nghiệp.

Cuộc khảo sát đã xếp hạng tham nhũng của các quan chức thuế ở mức gần 50%, thẩm phán và quan tòa là 48% và quan chức trong Văn phòng Tổng thống là khoảng 30%.

Ví dụ, vào tháng 5/2019, Cơ quan Thuế Kenya (KRA) đã bắt giữ 75 nhân viên bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ trốn thuế.

Những người bị bắt giữ có dính líu đến các sai phạm bao gồm thông quan hàng hóa bất hợp pháp, gian lận sửa đổi tờ khai thuế để giúp người nộp thuế trốn thuế và cấp giấy chứng nhận tuân thủ thuế bất thường. Trong đó, có 61 người thuộc Cục Thuế nội địa, 14 người thuộc Cục Hải quan và Kiểm soát Biên giới. Phần lớn các trường hợp (62) liên quan đến cán bộ văn phòng thuế có trụ sở Thủ đô Nairobi.

Ngoài ra, KRA vào năm 2018 đã chấm dứt việc làm đối với 85 cán bộ và thực hiện 15 cuộc kiểm tra lối sống, dẫn đến việc thu hồi tài sản và xử phạt các viên chức vi phạm.

Tài liệu của EACC cho thấy, năm 2018 trung bình, người Kenya phải trả tiền hối lộ là 3.833 Sh.

Tương tự, vào năm 2019, EACC phát hiện ra rằng 35% người Kenya phải trả hối lộ để nhận được các dịch vụ nhanh chóng của Chính phủ, trong đó có liên quan đến vấn đề việc làm, tránh bị cảnh sát bắt giữ và tiếp cận dịch vụ y tế…

Về giới, 38% nam giới hối lộ cảnh sát thì chỉ có 30% nữ giới làm điều này.

Theo khu vực, 41% cư dân nông thôn hối lộ để được cảnh sát hỗ trợ so với 33% ở thành thị.

Còn theo báo cáo hàng năm của Văn phòng Giám đốc Công tố (ODPP), giá trị quỹ Chính phủ bị đánh cắp thông qua các thương vụ tham nhũng của các quan chức Kenya đã tăng lên 140,2 tỷ Sh (1,4 tỷ USD) vào năm 2019 so với 67,1 tỷ Sh (671 triệu USD) vào năm 2017.

Câu chuyện tham nhũng không chỉ ở Kenya

Không chỉ ở Kenya, nhiều quốc gia châu Phi khác cũng ghi nhận tình trạng tham nhũng trong các nghị sỹ.

Theo Afrobarometer, người dân Gabon và Uganda cho rằng 68% nghị sỹ tham nhũng, trong khi ở Sierra Leone  là 62%, Nigeria 61% và Bờ Biển Ngà 58%.

Các quốc gia ghi nhận tỷ lệ ít nghị sĩ nhận hối lộ nhất bao gồm Cape Verde và Tunisia (22%), Botswana và Burkina Faso (30%), Namibia (36%).

Bên cạnh đó, người Nigeria, Gabon và Sierra Leone ít tin tưởng nhất vào lực lượng cảnh sát. “Chỉ 1/4 trong số những người được hỏi nói rằng, họ tin tưởng cảnh sát “phần nào” hoặc “rất nhiều”. Ngược lại, cảnh sát được tín nhiệm cao ở Burkina Faso (76%), Tunisia (69%) và Botswana (65%)”, báo cáo của Afrobarometer chỉ ra.

Ít công dân của Cape Verde (chỉ 1%), Namibia (5%), Botswana (6%) và Lesotho (10%) đã hối lộ cho cảnh sát để được hỗ trợ.

Trong khi đó, con số này ở Nigeria là 77%, Uganda (75%), Guinea (58%) và Sierra Leone (55%).

theo Hoài Phương – Báo thanh tra

Tin liên quan