Theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ – CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế quy định: Hình thức tổ chức của cơ sở hành nghề thẩm mỹ phải theo một trong các hình thức sau:
– Bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ
– Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ
– Hoặc cơ sở dịch vụ thẩm mỹ
Đối với Bệnh viện hoặc Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ/cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ, trước khi hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được Bộ Y tế cấp giấy phép, có khoa Tạo hình Thẩm mỹ và 02 Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy phép hoạt động.
Đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải cấp giấy phép hoạt động, nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định. Hiện tại, Sở Y tế đã tiếp nhận văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ của 49 cơ sở. Trên thực tế, số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn khá lớn, không chỉ tập trung cao ở thành phố mà còn xuất hiện nhiều ở tuyến huyện. Các cơ sở làm đẹp này thực hiện các dịch vụ phun, xăm, thêu màu mắt, môi, lông mày, một số hoạt động dưới hình thức cơ sở spa, chăm sóc da thậm chí là gội đầu, cắt tóc và chưa có thông báo về Sở Y tế theo quy định. Đặc biệt là nhiều cơ sở lợi dụng tính rộng rãi của mạng xã hội để quảng bá vượt phạm vi chuyên môn được phép nhằm thu hút khách hàng, tăng lợi nhuận. Một trong các lý do là các cơ sở dịch vụ này chưa tìm hiểu và nắm bắt được quy định nhà nước về các điều kiện hoạt động, một số cơ sở hoạt động bất chấp pháp luật vì mục đích lợi nhuận mặc dù Sở Y tế, UBND các huyện, thành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn phổ biến về nội dung này.
Đối với cơ sở hành nghề thẩm mỹ, sau khi được cấp giấy phép hoạt động, hoặc tiếp nhận thông báo cơ sở đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, Sở Y tế gửi danh sách kèm thông tin của cơ sở về UBND huyện, thành và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế để các cơ quan chức năng, người dân biết, lựa chọn các dịch vụ đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng.
Hằng năm, Sở Y tế tổ chức hoặc phối hợp với UBND các huyện, thành tổ chức các hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực KBCB nói chung và thẩm mỹ nói riêng đối với các cơ sở y tế tư nhân, chủ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn; Thành lập các Đoàn kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: công an tỉnh, phòng y tế các huyện, thành phố… thực hiện công tác thanh kiểm tra hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nhằm phổ biến, hướng dẫn, phát hiện các tồn tại, chấn chỉnh, xử lý theo quy định để các cơ sở hoạt động tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, để quản lý loại hình kinh doanh này cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa Y tế, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, cơ quan an ninh mạng và UBND các cấp. Trong thời gian tới, Ngành Y tế sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương để tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, đồng thời phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh truyền thông để người dân biết, lựa chọn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đảm bảo quy định, an toàn cho sức khỏe.
Khuyến cáo của Ngành Y tế: người dân khi lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp cần có những hiểu biết nhất định về quy định của loại hình kinh doanh này, lựa chọn những cơ sở được cấp phép, đáp ứng đầy đủ điều kiện, không tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội để tránh “tiền mất tật mang”, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính mình./.
Tôn Thị Minh