Trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo

Cập nhật: 22/01/2021 08:50

Đây là đề tài khoa học do Ths. Đào Thu Hà, Phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) được Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn đề tài khoa học phê duyệt nghiên cứu khoa học năm 2021.

Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung. Ảnh: TH

Ths. Đào Thu Hà chia sẻ, sau 20 năm hình thành và phát triển, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong giúp đỡ về mặt pháp luật cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác, góp phần phát huy vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ths Hà đưa nhận định, hiện nay, nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân chưa cao, chưa biết về hoạt động trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của mình để được giúp đỡ khi có nhu cầu. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đưa thông tin về trợ giúp pháp lý đến người thuộc diện trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức có liên quan nói riêng và người dân nói chung.

Tuy nhiên, công tác truyền thông tại Trung ương thực hiện còn gặp một số khó khăn như: Cán bộ làm công tác truyền thông còn mỏng, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng về truyền thông thông qua những khóa đào tạo, tập huấn chuyên nghiệp, kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế. Các đại diện nhân dân như đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân… lại không ủng hộ, chia sẻ công việc của luật sư, vấn đề phối hợp của các cơ quan tố tụng chưa chặt chẽ…

“Vấn đề luật sư, trợ giúp viên pháp lý trợ giúp quyền TC thì hiện nay luật chưa quy định nên nhiều đơn TC của công dân luật sư muốn giúp nhưng cũng phải cân nhắc. Những hạn chế, bất cập kể trên phần nào ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC ở Việt Nam hiện nay”, Ths Đào Thu Hà nhấn mạnh.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC” là cần thiết để làm rõ những vấn đề lý luận về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC; đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng nhằm thấy được những hạn chế, vướng mắc, những đòi hỏi mới đặt ra, từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC.

Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn. Ảnh: TH

Cho ý kiến góp ý vào nội dung đề tài, ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Ủy viên Hội đồng cho rằng, vấn đề mà đề tài đưa ra có tính cấp thiết, tính thực tiễn cao. Đề tài đã đáp ứng tốt về nội dung cũng như hình thức. Đã làm rõ về mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu, các đề xuất có tính thực tiễn.

Tuy nhiên, về phạm vi nghiên cứu, đề tài cần tiếp cận sâu hơn về mặt thực tiễn. Ngoài ra, cần làm rõ trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC thông qua các hình thức và chủ thể cụ thể nào. Để nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn, đề tài có thể tiến hành việc khảo sát đánh giá hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư, các luật sư nhằm chỉ ra được các tồn tại, hạn chế của hoạt động này, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phù hợp. Theo đó, các giải pháp cần hướng vào việc nhận thức của các ngành chức năng về hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Theo TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ủy viên Thư ký Hội đồng cho rằng, mục tiêu chung của đề tài cần điều chỉnh lại. Về đối tượng nghiên cứu, bổ sung Luật Tiếp công dân 2014. Cụ thể về các nội dung nghiên cứu, ông Hùng chia sẻ: Chương 1 cần bổ sung đề xuất nội dung nghiên cứu cụ thể. Chương 2, bổ sung: Thực trạng pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC; thực trạng trợ giúp pháp lý trong tiếp công dân; thực trạng trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC và tiếp công dân.

Ngoài ra, cần đưa ra các giải pháp sau: Giải pháp trợ giúp pháp lý trong tiếp công dân, trong thực hiện quyền KN, quyền TC; hoàn thiện pháp luật về Luật KN, Luật TC và Luật Tiếp công dân; giải pháp trợ giúp pháp lý về trong thực hiện quyền KN, quyền TC và tiếp công dân.

TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ tịch Hội đồng kết luận, đề tài được chuẩn bị chỉn chu, có phương pháp tiếp cận tốt, đáp ứng mục tiêu nghiên cứu đề ra. Tuy nhiên, một số dung của đề tài cần hoàn thiện thêm. Cụ thể, về mục tiêu chung: Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Lý luận, pháp luật và thực tiễn về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC.

Về phạm vi nghiên cứu cần khuôn lại về nội dung và thời gian: Luật KN 2011, Luật TC 2018; Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Tính cấp thiết, cần phân tích sâu hơn về đối tượng của trợ giúp pháp trong thực hiện quyền KN, quyền TC. Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền KN, quyền TC sẽ phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay…

Với những kết quả đạt được, đề tài được Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt nghiên cứu.

theo Thái Hải – Báo thanh tra

Tin liên quan