Từ ngày 1/9/2021: Rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo như thế nào?

Cập nhật: 01/08/2021 06:45

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.

Ảnh minh họa

Theo Thông tư mới ban hành, phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg được hướng dẫn thực hiện như sau:

Đối với việc khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp điểm theo Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

Về mức thu nhập bình quân đầu người (gọi là điểm A): ở khu vực nông thôn, 140 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 1.500.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị, 175 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000.000 đồng/người/tháng; về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gọi là điểm B): 10 điểm tương đương với 1 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Đối với phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo phương pháp xác định như sau: Hộ nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực thành thị; hộ cận nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực thành thị.

Cũng theo Thông tư mới, việc rà soát đối với hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và lập danh sách hộ gia đình cần rà soát quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg được hướng dẫn thực hiện như sau:

Đối với hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp (viết tắt là thôn), rà soát viên lập danh sách và sử dụng Phiếu A theo Phụ lục II và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để nhận dạng nhanh đặc điểm hộ gia đình. Trường hợp có dưới 04 tiêu chí từ cột 01 đến cột 09 thì đưa vào danh sách hộ gia đình cần rà soát. Danh sách hộ gia đình cần rà soát được lập theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg thực hiện như sau: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên sử dụng Phiếu B theo Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

Cũng theo Thông tư mới, việc xác định thu nhập của hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg thực hiện theo Phiếu khảo sát, xác định thu nhập của hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

theo Gia Khánh – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan