Ảnh minh họa (TTXVN) |
Theo báo cáo gửi Quốc hội trước Kỳ họp 5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết đây đều là những vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điểm chung là có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với Cty, DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận.
Đơn cử như vụ án tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ tại Cục Đăng kiểm – Bộ GTVT và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục đăng kiểm tại nhiều tỉnh thành.
VKSNDTC kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng. Nguyên nhân là cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi.
“Chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục”, báo cáo nêu.
Theo VKSND Tối cao, cần xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả; giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho biết đã chỉ đạo người đứng đầu các cấp Kiểm sát phải đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác. Việc này nhằm khắc phục tính trì trệ, ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác, qua đó phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; đồng thời bảo vệ cán bộ làm tốt, làm đúng.
Ngành Kiểm sát cũng tăng cường thanh tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào những lĩnh vực, khâu công tác và đơn vị còn hạn chế, yếu kém; làm rõ và xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.
Bên cạnh án tham nhũng tăng, trong 6 tháng đầu năm, số vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu đã khởi tố cũng tăng 36% (19.500 vụ). Sai phạm xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, đấu thầu, mua sắm tài sản công; lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng; cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ thuê “núp bóng” DN.
Theo VKSND Tối cao, nguyên nhân số vụ án khởi tố mới tăng mạnh là do tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện. Quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng.