7 vấn đề trong vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan

Cập nhật: 17/07/2023 11:06

 7 năm, hơn 2.600 ngày, hơn nửa thập kỷ, là quãng thời gian một đứa trẻ từ khi sinh ra nay đã học đến lớp 2; cũng là quãng thời gian ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967) từ chỗ là người đứng đầu Đảng bộ TX Bến Cát (tỉnh Bình Dương) trở thành người mang thân phận bị can, bị cáo, hết bị tạm giam rồi được tại ngoại, nhưng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng của tòa.

Ông Khanh trong một phiên xử.

Từ khi bị tố cáo, bị khởi tố, bị bắt, cho đến nay cựu Bí thư TX Bến Cát vẫn một mực kêu oan, cho rằng không phạm tội; trong khi đó, cơ quan tố tụng Bình Dương vẫn cho rằng ông Khanh là “đồng phạm, giúp sức” cho ông Nguyễn Huy Hùng và ông Nguyễn Quang Lộc (2 cán bộ Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

PLVN là một trong những tờ báo đầu tiên phản ánh và thông tin chi tiết về những diễn biến trong vụ án liên quan ông Khanh. Mới đây, sau khi VKSND tỉnh Bình Dương tiếp tục trả hồ sơ lần thứ 7, một số bạn đọc gọi điện về Tòa soạn, đề nghị có một bài viết tổng thuật về vụ án “phức tạp” này.

Thứ nhất, vì sao lại có vụ án?

Vụ án bắt đầu từ việc “tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm”, từ 1 lá đơn do ông Nguyễn Hiệp Hòa (con trai cụ Hồ Thị Hiệp) vào gần cuối năm 2016. Cần lưu ý thời điểm này cụ Hiệp đã qua đời. Đơn tố cáo ông Khanh “lợi dụng chức vụ, o ép, câu kết cán bộ ngân hàng mua rẻ tài sản” của cụ Hiệp.

Thứ hai, ông Khanh có “lợi dụng chức vụ, o ép mua rẻ tài sản” hay không?

Theo hồ sơ, năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (đang định cư tại Mỹ) được cấp “sổ đỏ” 23,5ha đất nông nghiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, TX Bến Cát (trong đó bà Hảo có 9,7ha). Năm 2002, mẹ con cụ Hiệp mỗi người chuyển đổi 2ha thành đất xây dựng công nghiệp.

Từ 2005 – 2008, cụ Hiệp dùng 2 pháp nhân vay tiền của BIDV và thế chấp toàn bộ QSDĐ (của mình và bà Hảo) làm tài sản bảo đảm.

Năm 2011, cụ Hiệp mất khả năng trả nợ. BIDV xác định số nợ là 96,8 tỷ. BIDV sử dụng trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, đưa ra ngoại bảng.

Cuối năm 2012, ông Khanh (khi đó là Chủ tịch UBND TX Bến Cát) và vợ sau khi bán được một diện tích trồng cao su do cha mẹ để lại và vay mượn thêm tiền hai bên nội, ngoại, thì được “cò đất” Nguyễn Hữu Trọng (SN 1970, ngụ Bình Dương) dắt đến gặp cụ Hiệp. Hai bên thỏa thuận, đồng ý giá mua bán giá 700 triệu/ha và bán từng đợt.

Thứ ba, ông Khanh có “câu kết cán bộ ngân hàng mua rẻ tài sản” hay không?

Khi biết tình trạng đất đang thế chấp ngân hàng, ông Khanh yêu cầu phải có sự đồng ý của BIDV thì mới giao dịch.

Lần thứ nhất, tháng 12/2012, cụ Hiệp lập tờ trình xin tự bán một phần tài sản thế chấp với diện tích 52.300m2 đất nông nghiệp, người mua là ông Khanh. Cụ Hiệp xin giữ lại một phần tiền để “tái sản xuất, có điều kiện trả nợ cho ngân hàng một cách bền vững”.

Cụ Hiệp đưa ông Khanh hợp đồng 3 bên, trong đó nêu lại thỏa thuận giữa ông Khanh và cụ Hiệp về giá bán, diện tích, phương thức thanh toán bằng 2 hình thức là tiền mặt và chuyển khoản. Hợp đồng đã có chữ ký, đóng dấu của ngân hàng và có kèm giấy đặt cọc. Tin tưởng, ông Khanh đặt cọc. Cụ Hiệp thực hiện các bước tách thửa, xóa thế chấp và tiến tới ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng.

Thứ tư, mua đất bằng tiền mặt liệu có vi phạm?

Tại KLĐT 57/KLĐT-PC03(DD5) năm 2019, cáo trạng, bản án sơ thẩm TAND Bình Dương trước đây (đã bị hủy án), cơ quan tố tụng Bình Dương đều xác định hành vi đồng phạm giúp sức của ông Khanh cho 2 cán bộ ngân hàng là “ông Khanh là cán bộ viên chức, trải qua nhiều chức vụ nên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và phải biết quy định của ngân hàng là không được trả tiền mặt bên ngoài cho cụ Hiệp”.

Sau này, KLĐT lại, CQĐT xác định: “Ông Lộc, ông Khanh, cụ Hiệp gặp nhau thỏa thuận giá mua bán, diện tích, phương thức thanh toán. Ông Lộc có nói cho ông Khanh và cụ Hiệp là ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp hưởng số tiền chênh lệch giữa giá mua bán thật theo thỏa thuận với số tiền chuyển để ngân hàng thu hồi nợ là sai quy định. Nhưng ông Khanh vẫn đồng ý mua vì giá rẻ và hợp thức hóa sai phạm bằng hợp đồng viết tay 3 bên”.

Trong khi đó, ông Khanh phản bác: “Tại hợp đồng 3 bên, chỉ ghi rõ “phương thức thanh toán là chuyển vào tài khoản của cụ Hiệp và trả tiền mặt”, không hề có chữ nào ghi “chuyển khoản để thu hồi nợ”. Tôi là người mua, đã thỏa thuận với cụ Hiệp thì cụ Hiệp yêu cầu thanh toán như thế nào, tôi thực hiện như vậy. CQĐT nói tôi gặp ông Lộc, cụ Hiệp để thỏa thuận nhưng không có chứng cứ. Tôi và ông Lộc, cụ Hiệp có gặp nhau 1 lần; ông Lộc nói ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp bán đất chứ chúng tôi không hề thỏa thuận hoặc trao đổi gì thêm. Tôi đi mua đất cá nhân, thỏa thuận với cụ Hiệp, sau đó “sổ đỏ” đã được giải chấp thì mới ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng. Tôi không mua tài sản thông qua ngân hàng”.

7 vấn đề trong vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan ảnh 1
Một phần khu đất ông Khanh đã mua của cụ Hiệp.

Thứ năm, cụ Hiệp có bán rẻ đất cho ông Khanh hay không?

Tại các KLĐT, CQĐT cho rằng ông Lộc, ông Hùng đã cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp trái quy định và giá rẻ gây thất thoát cho BIDV 35,7 tỷ.

Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy, ông Khanh mua với giá 700 triệu/ha là cao hơn giá thị trường. Trong các lần mua bán, ông Lộc, ông Hùng đại diện ngân hàng đều có thẩm định giá.

Lần mua bán thứ nhất cuối 2012, nhân chứng Nguyễn Thị Luyến khai tại tòa, vào giữa 2012, cụ Hiệp đồng ý bán giá 580 triệu/ha nhưng bà Luyến không mua.

Chính KLĐT khẳng định, lần mua bán thứ 2, sau khi nhận được văn bản của cụ Hiệp xin bán đất, ông Lộc đề xuất định giá, thẩm tra giá. Phòng khách hàng doanh nghiệp 1 báo cáo giá đất 345 triệu/ha, chuyển sang Phòng quản lý rủi ro. Phòng này đề xuất đăng báo 3 kỳ để tham khảo giá thị trường. Ông Lộc cho đăng 3 kỳ trên Báo Thanh niên.

Lần mua bán thứ 3 và thứ 4, năm 2015, theo kết quả định giá của Cty CP Tư vấn & Thẩm định giá Đông Nam xác định giá đất nông nghiệp 560 triệu/ha.

Như vậy, lần 1 và lần 2, 3 ông Khanh mua với giá 700 triệu/ha là cao hơn giá thẩm định giá và người mua trước.

Với việc để một phần tiền mặt cho cụ Hiệp tại 3 lần mua bán đầu tiên, ông Lộc, ông Hùng khai, cụ Hiệp lập văn bản nêu: Có đối tác muốn hợp tác sản xuất nhưng không có vốn mua nguyên liệu, thuê nhân công nên xin để lại một phần tiền mặt để tái sản xuất, có kế hoạch trả nợ cho ngân hàng lâu dài, bền vững. Và thực tế, nhà xưởng, máy móc sản xuất vẫn còn nên cả hai mới đồng ý. Đến lần bán cuối cùng, nhận thấy tài sản thế chấp không còn, cụ Hiệp không sản xuất như cam kết nên toàn bộ tiền mua bán đều nộp vào tài khoản của cụ Hiệp. Ngân hàng sau đó thu hồi nợ.

Thứ sáu, vụ án đã bao nhiêu lần trả hồ sơ?

Vụ án đã điều tra 7 năm, trả hồ sơ 6 lần, một lần bị hủy án. Ngày 18/4/2023, VKSND Bình Dương tiếp tục trả hồ sơ lần thứ 7, yêu cầu CQĐT làm rõ hành vi của ông Hùng cùng đồng phạm để xác định tội danh đúng quy định pháp luật? Xác định hành vi của ông Khanh đồng phạm với ông Hùng, ông Lộc hay không? Điều tra, làm rõ hành vi của các cá nhân liên quan trong vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng” để xử lý cùng vụ án đang điều tra.

Thế nhưng ngày 15/6/2023, CQĐT vẫn ra KLĐT bổ sung số 158 giữ nguyên quan điểm.

Thứ bảy, quan điểm của TAND Cấp cao ra sao?

Việc trả hồ sơ của VKS Bình Dương giống với quan điểm của TAND Cấp cao tại TP HCM đã nêu trong bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm, điều tra lại hồi tháng 5/2021.

Theo bản án phúc thẩm, về tội danh: Cấp sơ thẩm chưa xác định, đánh giá làm rõ các bị cáo có được cơ quan nhà nước thẩm quyền giao quyền quản lý sử dụng tài sản công hay không, từ đó làm cơ sở cho việc xác định đúng tội danh.

Về chứng cứ buộc tội, cấp sơ thẩm quy kết ông Hùng, ông Lộc câu kết thỏa thuận với cụ Hiệp trong mua bán tài sản thế chấp giá thấp hơn; và thỏa thuận cho ông Khanh trả bằng tiền mặt là “gây thất thoát tài sản nhà nước”; là thiếu căn cứ. Hồ sơ, chứng cứ, lời khai các bị cáo cho thấy họ không quen biết nhau. Bản thân ông Lộc, ông Hùng khai chỉ nghe cụ Hiệp nói bán cho ông Khanh được giá và thủ tục nhanh. Cả hai không gặp trực tiếp hay trao đổi với ông Khanh. Lời khai ông Khanh phù hợp với chứng cứ, hồ sơ và lời khai ông Lộc, ông Hùng.

TAND Cấp cao khẳng định, không có căn cứ cho thấy ông Khanh là “đồng phạm giúp sức”. Dù khi đó là Chủ tịch UBND TX Bến Cát, nhưng trong quan hệ này ông Khanh chỉ có tư cách là người mua đất khi cụ Hiệp có nhu cầu bán; thậm chí trả giá cao hơn người khác.

Quá trình chuyển nhượng có tìm hiểu về giá, thỏa thuận giá, có sự đồng ý của bên thế chấp là BIDV, sau đó mới tiến hành thủ tục. Việc ông Khanh trả một phần là tiền mặt cho cụ Hiệp là theo yêu cầu của cụ Hiệp; cụ Hiệp đã đề xuất và BIDV đồng ý việc này.

TAND Cấp cao cũng nhận định quá trình cơ quan chức năng Bình Dương xử lý vụ án có nhiều vi phạm quy định của Đảng, vi phạm tố tụng.

7 năm nay, ông Khanh ròng rã gửi đơn kêu oan khắp nơi, mong muốn các cơ quan Trung ương vào cuộc, chủ trì để làm rõ sự việc.

Tin liên quan