Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 26/8 cho biết vừa phê duyệt khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam là Bình Định và Quảng Nam, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.
Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 1 sẽ nâng cấp 121,8km đường theo các tiêu chuẩn thiết kế chống chịu khí hậu, xây dựng 115km đường ống cấp nước, và giúp cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về thời tiết và khí hậu một cách kịp thời và hiệu quả về chi phí.
Dự kiến khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Bà Nguyễn Hồng Anh – Cán bộ Chương trình của ADB – nhấn mạnh, dự án nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Dự án sẽ liên kết tốt hơn các địa điểm sản xuất ở nông thôn, vùng sâu xa với các thị trường và cơ sở chế biến cây trồng như keo, và tăng cường khả năng tiếp cận của người hưởng lợi với các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường. Dự án cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn cấp nước sạch và tưới tiêu.
Gói tài trợ bao gồm 58 triệu USD các khoản vay thông thường của ADB và khoản viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB.
Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tài trợ cho việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống dữ liệu để quản lý rủi ro khí hậu. Ngoài ra dự án cũng được Chính phủ Việt Nam tài trợ 21,73 triệu USD.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm từ 2016 tới 2018, nhưng đã chậm lại ở mức 2,9% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Có khoảng cách đáng kể giữa các cộng đồng ven biển bùng nổ kinh tế và khu vực miền núi nằm sâu trong đất liền, nơi có đông người dân tộc thiểu số.
Khoảng 87% số hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Bình Định và 55% các hộ dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là hộ nghèo và cận nghèo, so với tỉ lệ hộ nghèo của các tỉnh này lần lượt là 5,5% và 10,3%.
Những khu vực này đang đối mặt với thách thức do cơ sở hạ tầng nguồn nước và giao thông bị phân tán và có chất lượng thấp.
Hầu hết các cộng đồng dân tộc thiểu số đều bị cô lập trong mùa mưa, bị chia cắt bởi các tuyến đường ngập lụt nằm trên địa hình đồi núi.
Dưới 60% các hộ gia đình trong khu vực dự án được sử dụng nguồn nước sạch và an toàn. Việc tiếp cận nước hạn chế và điều kiện vệ sinh kém đã dẫn tới tỉ lệ bệnh lây truyền qua đường nước và tỉ lệ nghèo khổ cao.
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cao về thiên tai và biến đổi khí hậu. Ước tính mỗi năm Việt Nam tổn thất trung bình 2,37 tỉ USD do thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, trong đó Bình Định và Quảng Nam nằm trong số những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.