An ninh nguồn nước đối mặt nhiều thách thức

Cập nhật: 29/10/2020 13:26

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2020 với chủ đề “An ninh Nước vì sự phát triển Bền vững của Việt Nam”. Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ, Viện Dân số sức khỏe và phát triển, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng và các tổ chức xã hội khác phối hợp tổ chức, sáng nay 29.10, tại Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa; Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân và hơn 200 đại biểu đại diện cho nhiều cơ quan chức năng, tổ chức xã hội.

Trên thế giới có tới 1/3 quốc gia thiếu nước

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, là bắt nguồn của sự sống. Nước cung cấp cho mọi hoạt động sống của con người nhưng trên thế giới có tới 1/3 quốc gia thiếu nước, tới năm 2025, có thể có đến 2/3 số quốc gia trên thế giới sẽ thiếu nước, trong đó có khoảng 35% số người dân có thể thiếu nước sinh hoạt. Nước là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội, quyết định sự tồn vong của một quốc gia-dân tộc. Bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta. Vì vậy, Hội thảo “An ninh Nước vì sự phát triển Bền vững của Việt Nam” là vô cùng quan trọng đặc biệt là trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang gánh chịu hậu quả vô cùng lớn của bão, lũ lụt, sạt lở đất…

Đánh giá về an ninh nguồn nước, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Các chiến lược, chương trình, đề án, dự án liên quan đến bảo đảm nguồn nước, an ninh nguồn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước đã được thực thi nghiêm túc và tương đối bài bản và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Tân cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển tài nguyên nước của Việt Nam chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Nguồn tài nguyên nước rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Những thảm họa như: hạn hán và xâm nhập mặn; lũ ống, lũ quét, lụt lội, sạt lở đất; nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế, đến sức khỏe con người, đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

Quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Thị Việt Hoa đã chỉ ra 10 thách thức của an ninh nguồn nước. Đó là nguồn nước Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, nguồn nước phân bố không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông; tài nguyên nước phân bổ không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm; nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô; sụt lún đất do khai thác nguồn nước ngầm quá mức; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng; rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy; biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ tác động sâu sắc tới tài nguyên nước; Cơ chế, công cụ kiểm soát, chế tài về an ninh nguồn nước chưa hiệu quả; Hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới.

“Việc đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước, nhất là nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời, nêu rõ những thách thức, rào cản, bất cập và những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng”, bà Hoa nói.

Trước thực trạng này, bà Hoa cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh cấp cho mục đích sinh hoạt trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nguyên nước và các dịch vụ về nước theo hướng xã hội hóa. Cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các Bộ, ngành có quản lý sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông, tránh chồng chéo.

Cùng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam Đào Trọng Tứ kiến nghị cần tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước qua phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó biến đổi khí hậu.

theo Xuân Tùng – báo đại biểu nhân dân

Tin liên quan