Trên 30.000 tỷ không thể trả nợ
Ban hành kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Cục C03 Bộ Công an đề nghị truy tố 34 bị can.
Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình ở giai đoạn một của vụ án) bị đề nghị truy tố về 3 tội danh, gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Theo cáo buộc, trong các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông có cổ đông là tập đoàn này chiếm 49% vốn điều lệ. Bà Trương Mỹ Lan chiếm 20% vốn điều lệ, là công ty gắn liền với uy tín, tài sản của Trương Mỹ Lan và tập đoàn.
Năm 2018, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Phương Hồng, Trương Mỹ Lan đồng ý chủ trương sử dụng Công ty An Đông để phát hành từ 10.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm thu xếp nguồn tiền hỗ trợ tài chính cho Ngân hàng SCB (khi đó đang gặp khó khăn và bị thanh tra, kiểm tra, bị hạn chế về hạn mức tín dụng và nhiều hoạt động khác).
Sau đó, tình hình thực tế phát sinh nhiều áp lực tài chính nên các bị can phát hành trái phiếu Công ty An Đông lên tới 25.000 tỷ đồng và trái phiếu Sunny World, Quang Thuận, Setra (không có tài sản đảm bảo).
Cơ quan tố tụng xác định, 4 công ty trên đã phát hành tổng cộng 25 mã trái phiếu trái quy định, còn dư nợ trên 30.000 tỷ đồng không thể trả nợ.
Để triển khai chủ trương của mình, Trương Mỹ Lan mời các cá nhân gồm Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Đông Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đến ăn cơm trưa ở trụ sở tập đoàn.
Trong bữa cơm, Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB, giao cho các cá nhân trên chủ động nghiên cứu thực hiện.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát khai gì?
Làm việc với cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan thừa nhận việc ra chủ trương phát hành trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn là trái quy định pháp luật, vì không dùng tiền phát hành trái phiếu vào việc đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu thực tế để đảm bảo cho việc trả nợ trái phiếu, mà dùng để xử lý các khoản tài chính cho Ngân hàng SCB dẫn đến không có khả năng chi trả.
“Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và việc trả nợ trái phiếu cho các trái chủ bằng hình thức sử dụng toàn bộ tiền, tài sản của Lan đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn, thu giữ và toàn bộ các khoản tiền, tài sản mà TAND TP.HCM đã tuyên các cá nhân/tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường cho Lan để ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các trái chủ”, kết luận điều tra nêu.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan mong muốn những cá nhân/tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động được từ trái phiếu của các công ty này phải cùng có trách nhiệm để đảm bảo việc trả hết nợ và lãi trái phiếu cho người dân.
Như vậy, Cục C03 căn cứ kết quả điều tra vụ án và tài liệu chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định, hành vi của Trương Mỹ Lan là lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc là chủ mưu trong việc rửa tiền với hơn 445.747 tỷ đồng. Trong số này, trên 415.000 tỷ đồng có nguồn gốc do hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và 30.081 tỷ đồng có được từ hành vi lừa đảo mà Cục C03 nêu ở giai đoạn 2.
Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan điều tra xác định bà Lan cùng đồng phạm sử dụng nhiều hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD.
Cùng với đó, số tiền hơn 3 tỷ USD được chuyển ngược về Việt Nam một cách trái pháp luật. Như vậy, tổng số bị các bị can vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ.
theo Hoàng Lam – Báo Giao thông