Bắc Ninh: Phát hiện và xử lý trùng lặp với 1.796 đơn vị trước khi phê duyệt thanh tra, kiểm tra

Cập nhật: 07/04/2020 09:28

Đây là kết quả đáng chú ý từ Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Hàng năm, trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra tỉnh triển khai đến các phòng nghiệp vụ thực hiện việc khảo sát và đề xuất kế hoạch của năm sau của Thanh tra tỉnh. Trên cơ sở rà soát, thống nhất định hướng lựa chọn chuyên đề, nội dung, đối tượng, thời điểm, thời gian thanh tra, Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thanh tra của năm sau.

Đối với các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của năm sau; các đơn vị này gửi dự thảo Kế hoạch về Thanh tra tỉnh. Căn cứ vào dự thảo Kế hoạch của các đơn vị, Thanh tra tỉnh thực hiện tổng hợp, rà soát về nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra với yêu cầu không trùng lặp, chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị và mỗi năm thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thanh tra tỉnh tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, làm cơ sở để Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND huyện phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Kết quả trong 3 năm (2017-2019) triển khai thực hiện Chỉ thị, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại 12.204 đơn vị. Số đơn vị trùng lắp đã được xử lý yêu cầu điều chỉnh trước khi phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra 1.796 đơn vị.

 Trong quá trình xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo nguyên tắc: cơ quan, đơn vị nào xây dựng kế hoạch trước gửi đến các cơ quan xây dựng kế hoạch sau để tránh chồng chéo; gửi văn bản các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn phối hợp, thống nhất về đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra tỉnh tiếp tục theo dõi, kiểm tra, rà soát việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Nếu phát hiện thanh tra không đúng kế hoạch, thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp trên, thanh tra đột xuất khi chưa có sự thống nhất của Thanh tra tỉnh dẫn đến chồng chéo trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc có dấu hiệu sai phạm thì Thanh tra tỉnh chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng pháp luật.

Mặt khác, trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, các cơ quan phát hiện có sự trùng lắp đối tượng đều báo cáo, xin ý kiến của Thanh tra tỉnh để tránh chồng chéo đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra. Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát, Thanh tra tỉnh xử lý để không chồng chéo đối tượng, nội dung thanh tra, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết quả, qua quản lý công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 56 đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm tra trùng lặp và đã được xử lý.

Như vậy, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được xây dựng kịp thời, đúng quy định và được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được xử lý kịp thời…

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm và việc tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của một số Sở, ngành, địa phương chưa tốt, như việc khảo sát xác định thông tin về đối tượng, nội dung còn có trường hợp chưa chính xác khi xây dựng kế hoạch; còn có đơn vị khi thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất nhưng không thuộc đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa thống nhất với Thanh tra tỉnh để xử lý chồng chéo.

Hơn nữa, sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương với các Sở, ngành, địa phương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hiệu quả chưa cao, xử lý chưa triệt để. Việc thanh tra, kiểm tra liên ngành khó thực hiện trên diện rộng (nội dung, thành phần, thời gian, đối tượng; quy chế hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, đơn vị nào làm trưởng đoàn, xử lý sai phạm, thời hiệu xử lý…).

Ngoài ra, quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra còn chưa đồng bộ trong trên một số lĩnh vực, như: Phòng cháy, chữa cháy (Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định kiểm tra định kỳ hàng quý đối với đơn vị có nguy cơ cháy, nổ); an toàn vệ sinh thực phẩm (Thông tư 48/2015/TT-BYT và Thông tư 30/2012/TT-BYT); y tế dự phòng; nông lâm sản./.

theo Minh Nguyệt – thanhtravietnam.vn

Tin liên quan