Bài 1: Giám sát đối với vụ việc khiếu nại cụ thể

Cập nhật: 06/10/2023 10:29

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động giám sát của HĐND. Một trong những điểm nổi bật trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là giám sát đối với vụ việc khiếu nại cụ thể. Trên cơ sở đơn kiến nghị gửi về HĐND tỉnh và những phản ánh, bức xúc của người dân tại các buổi TXCT của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế giám sát việc giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân đối với vụ việc cụ thể.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương giám sát tình hình, kết quả Chỉ số PAPI. Ảnh: L. Hiển

Tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động giám sát

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, so với quy định trước đây, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã cụ thể hóa hơn trình tự, thủ tục tiến hành giám sát; quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND, việc tổ chức Đoàn giám sát để giám sát chuyên đề, việc xem xét báo cáo của Đoàn giám sát, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhất là lần đầu tiên Luật ban hành các quy định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND như: trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; quy định về Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Nhìn chung, việc ban hành Luật Hoạt động giám sát và các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động giám sát của HĐND; góp phần thể hiện vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trên cơ sở Luật và các quy định liên quan, HĐND, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về Quy chế hoạt động của HĐND, Nội quy kỳ họp, Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước của HĐND; quy định mức chi phục vụ hoạt động của HĐND các cấp; Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND, Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND tỉnh, ký kết các Quy chế phối hợp công tác với UBND, UBMTTQVN tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các Ban của HĐND ban hành Quy chế hoạt động của Ban… HĐND, Thường trực HĐND cấp huyện, xã đã ban hành Quy chế hoạt động, nội quy kỳ họp; các nghị quyết, quyết định của Thường trực HĐND về phân công nhiệm vụ của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND…

Rõ cơ chế báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị

Trên cơ sở quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được chú trọng thực hiện. Nội dung giám sát chuyên đề được lựa chọn theo yêu cầu thực tiễn; các hoạt động giám sát đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giám sát giải quyết kiến nghị cử tri được thực hiện tốt; hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng như giữa hai kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND được tăng cường thực hiện, đổi mới về nội dung và phương thức; hoạt động thẩm tra của các Ban ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả.

Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND các cấp được tổ chức ngày càng thực chất, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 5 đợt giám sát chuyên đề, HĐND cấp huyện tổ chức 51 đợt giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đối với một số nội dung giám sát quan trọng, ngoài nghiên cứu kỹ báo cáo, công tác khảo sát thực tế được HĐND các cấp tăng cường thực hiện trước khi làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Những kiến nghị sau giám sát chậm được giải quyết hoặc chưa được giải quyết sẽ được HĐND tái giám sát và đưa ra chất vấn tại kỳ họp để làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết. Một số địa phương cấp xã triển khai hoạt động giám sát rất chặt chẽ, thực chất, xác định rõ cơ chế yêu cầu đơn vị chịu sự giám sát báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát để tái giám sát.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng, một trong những điểm nổi bật trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là việc giám sát đối với vụ việc khiếu nại cụ thể. Trên cơ sở đơn kiến nghị gửi về HĐND tỉnh và những phản ánh, bức xúc của người dân tại các buổi TXCT của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Pháp chế tổ chức giám sát việc giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân đối với vụ việc cụ thể. Sau giám sát, Ban đều ban hành thông báo kết quả giám sát, ghi nhận kết quả làm việc với các đơn vị chịu sự giám sát và nêu ý kiến đối với quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét, nghiên cứu thực hiện, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Đối với cấp huyện, xã, Thường trực HĐND chỉ đạo, phân công Ban của HĐND giám sát thường xuyên thông qua báo cáo của UBND về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh hoặc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc giải quyết đơn của công dân tại địa phương.

theo NGUYỄN NHẬT – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan